Philippines có thể sẽ cần đến TQ, nhưng không thể phủ nhận tình hình tranh chấp Biển Đông là một yếu tố tiên quyết định hình quan hệ Philippines – TQ.
Trong tư cách tổng thống mới của Philippines với 5 năm nhiệm kỳ trước mắt, tân Tổng thống Rodrigo Duterte đang đứng trước bài toán lưỡng nan trong lựa chọn chính sách an ninh. Đó là làm sao tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ và cải thiện quan hệ chính trị với TQ. Bài toàn này đặt trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang dậy sóng.
Tiến gần hơn với Mỹ?
Ông Duterte cần xoa dịu nỗi lo ngại ở Washington và truyền đi các dấu hiệu rằng nhiệm kỳ tổng thống của ông sẽ hướng đến việc hòa dịu quan hệ hai nước, thay vì những nhận xét giận dữ chống lại Mỹ trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống.
Thậm chí, ông Duterte cũng tỏ ra không mấy mặn mà với Hiệp ước hợp tác quốc phòng mở rộng (EDCA) mà Tòa án Tối cao Philippines đã phán quyết là hợp hiến. Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy dường như nhiệm kỳ tổng thống của ông Duterte đang dần đi xa khỏi chủ nghĩa thân Mỹ của người tiền nhiệm – cựu tổng thống Benigno Simeon Aquino III.
Sự chuyển hướng này khiến cho Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc rất lo ngại. Những thay đổi tại Mỹ, đặc biệt là kết quả của cuộc bầu cử vào tháng 11/2016 tới đây càng làm gia tăng sự bất định trong mối quan hệ và định hướng tương lai giữa Mỹ và Philippines.
Trung Quốc không ngừng xây đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông. Ảnh: CSIS. |
Trong khi đánh giá nghiêm túc về liên minh an ninh dài hạn của Philippines và Mỹ, ông Duterte có vẻ nhiệt tình hơn trong việc sửa chữa mối quan hệ chính trị với TQ. Trong thời gian gần đây, ông Duterte đã tuyên bố sẽ nối lại đàm phán song phương với TQ và ưu tiên thúc đẩy phát triển chung. Khi được phóng viên hỏi về những tranh chấp trên Biển Đông với TQ sau cuộc bầu cử, Duterte nhấn mạnh, “Tôi sẽ nói với TQ, đừng tuyên bố về bất cứ thứ gì ở đây – và tôi cũng sẽ không khăng khăng rằng đó là của chúng tôi.”
Từ chính sách cứng rắn của người tiền nhiệm trong vấn đề Biển Đông - “Cái gì của chúng ta là của chúng ta”, ông Duderte đang dần nghiêng về các giải pháp phòng ngừa (hedging bets) thông qua đàm phán với TQ. Và với phán quyết của PCA sắp tới đây, dường như ông Duterte muốn thỏa hiệp với TQ hơn là cố gắng thúc đẩy phán quyết – một điều mà chính ông rất coi trọng.
Nhưng sự thỏa hiệp này lại đặt ra một thách thức khá lớn nếu nó trở nên quá mức. Các lợi ích từ đầu tư, thương mại, du lịch và hỗ trợ phát triển từ TQ thông qua các thỏa hiệp có thể dẫn tới các biểu hiện phù thịnh đối với TQ – nguy cơ tiềm tàng làm suy yếu liên minh lâu dài của Philippines với Mỹ.
Một trăm điều khó
Tuy nhiên, sự bất định từ cả phía Mỹ và TQ sẽ khiến nhiệm vụ này trở nên rất khó khăn. Về phía Mỹ, Manila dường như có rất ít sự lựa chọn khi việc thúc đẩy quan hệ quốc phòng với Washington là bắt buộc, đặc biệt là trong bối cảnh ASEAN đang chia rẽ và chưa thể xây dựng một lập trường chung, chưa kể tới một COC trên Biển Đông. EDCA ký kết năm 2014 cho phép quân đội Mỹ quyền tiếp cận luân chuyển vào các căn cứ của Philippines, không chỉ là động lực cần thiết cho kế hoạch “xoay trục Châu Á” của chính quyền Obama, mà còn là một biện pháp cho các thách thức an ninh của Philippines.
Cụ thể, EDCA có thể làm sâu sắc thêm một cách đáng kể dấu ấn chiến lược của Mỹ tại Châu Á thông qua 5 căn cứ quân sự tại Philippines đang được xem xét là sân bay Clark, vịnh Subic, mũi Poro, trại Aguinaldo và pháo đài Magsaysay (Mogato 2014). Đồng thời, EDCA cũng giúp Philippines xây dựng một đối trọng để ngăn chặn các hành động đơn phương quá mức của TQ đối với các lợi ích của nước này, hoặc ít nhất là ngăn ngừa một kịch bản Scarborough thứ hai.
Tuy nhiên, các nhà phê bình vẫn hoài nghi và cho rằng thỏa thuận mới là một sai lầm chiến lược, hành động sẽ làm sâu sắc thêm sự phụ thuộc của Philippines vào nước Mỹ, và không thể ngăn chặn các hành động của TQ trên Biển Đông. Vì từ khi ký kết EDCA, phía Mỹ vẫn từ chối làm rõ rằng liệu Mỹ có ứng cứu Philippines trong trường hợp có xung đột nổ ra vì những thực thể tranh chấp tại Biển Đông hay không.
Tàu sân bay USS John C. Stennis (CVN 74) và USS Ronald Reagan (CVN 76) của Mỹ ngoài khơi biển Philippines. Ảnh: Philstar.com |
Từ 2014, với việc thúc đẩy “một vành đai, một con đường” (OBOR), TQ đang dần chứng minh nhận định này và khiến nhiều quốc gia tin vào vị thế dẫn đầu của họ trong trật tự khu vực những năm tiếp theo.
Tuy vậy, tăng cường quan hệ với TQ cũng tồn tại nhiều rủi ro cho Philippines. Trước 2009, TQ là một đối tác rất hấp dẫn đối với Philippines, nhưng từ khi nước này gia tăng căng thẳng quá mức trên Biển Đông và chiếm Scarborough năm 2012, quan hệ hai nước ngày càng trở nên xấu hơn. Philippines có thể sẽ cần đến TQ, nhưng không thể phủ nhận tình hình tranh chấp Biển Đông là một yếu tố tiên quyết định hình quan hệ Philippines - TQ.
Nhìn rộng ra, những thay đổi mang tính cấu trúc trong tam giác Mỹ - Philippines - TQ đánh dấu sự giao nhau của các thay đổi (cả nhận thức và chủ quan) về môi trường an ninh khu vực, cũng như những tính toán chính trị nội bộ của các phe phái chính trị tại Philippines. Câu hỏi là ông Duterte có thể làm gì để tận dụng những sự xoay trục đang xảy ra đồng thời, mà không tự đẩy mình vào vòng xoáy xung đột lợi ích.
Nguyễn Nam