Theo tờ The Times, các lực lượng vũ trang Ukraine có đủ bệ phóng để triển khai tên lửa ATACMS bao gồm hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS và hệ thống phóng loạt MLRS M270. Tuy nhiên, Ukraine vẫn đang gặp phải tình trạng thiếu hụt tên lửa.
Kiev và Washington chưa bao giờ xác nhận số lượng tên lửa ATACMS chính thức được chuyển giao. Ngoài ra, cho đến nay, chỉ có 2 lần được cho là Mỹ đã gửi ATACMS cho Ukraine, một lần vào cuối năm 2023 với các phiên bản ATACMS có tầm bắn 160km, và một lần được giao bí mật hồi tháng 3 với phiên bản ATACMS có tầm bắn 300km.
Song theo Kyiv Post, hiện không rõ Ukraine đã sử dụng bao nhiêu ATACMS để tấn công các mục tiêu của Nga.
Tờ New York Times hôm 17/11 dẫn lời các nguồn tin cho hay, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS tấn công lãnh thổ Nga. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Tây bán cầu Brian Nichols sau đó cũng đã xác nhận thông tin này. Nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết, một số quốc gia EU cũng đã cho phép Kiev sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Bộ Quốc phòng Nga thông báo vào đêm 19/11 rạng sáng 20/11, Ukraine đã lần đầu tiên phóng 6 tên lửa ATACMS vào vùng Bryansk của Nga.
Bình luận về vụ việc, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng các cuộc tấn công của Ukraine vào vùng Bryansk bằng tên lửa ATACMS là dấu hiệu cho thấy phương Tây đang cố tình leo thang căng thẳng. Cũng theo ông, Ukraine sẽ không thể tiến hành các cuộc không kích như vậy nếu như không có sự trợ giúp từ phía Mỹ.