Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, giới chức Mỹ trong buổi họp báo cho biết báo cáo gần đây của họ có thể giúp nhiều quốc gia dựa vào đó để ứng phó với Bắc Kinh về các vấn đề trên Biển Đông.
“Nghiên cứu này là cơ sở rất quan trọng mà bạn bè và đồng minh có thể rút ra để phản đối các yêu sách”, Constance Arvis, quyền Phó trợ lý Ngoại trưởng về đại dương, nghề cá và các vấn đề vùng cực tại Cục Đại dương, Môi trường Quốc tế và Khoa học của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết.
“Chúng tôi hy vọng rằng đây là một phần trong nỗ lực không ngừng của các quốc gia theo thông lệ quốc tế, nhằm đẩy lùi các tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc”.
Tàu khu trục USS Benfold của Mỹ hoạt động ở Biển Đông vào tuần trước. Ảnh: Hải quân Mỹ |
Bà Arvis cũng nói thêm rằng, bên cạnh 10 nước thành viên thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), báo cáo cũng giúp đỡ các nước khác có thể công khai lên tiếng với Bắc Kinh vì không tuân thủ phán quyết về Biển Đông. Phán quyết này được Tòa Trọng tài thường trực ở La Hay (Hà Lan) đưa ra vào tháng 7/2016, trong đó bác bỏ yêu sách chủ quyền đường 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Chúng tôi chắc chắn không chấp nhận chuyện đã rồi”, bà Arvis khẳng định khi đề cập về các yêu sách phi pháp mà Bắc Kinh đưa ra cùng những hoạt động xây dựng, cải tạo đảo đá trái phép để hỗ trợ các yêu sách đó.
Cũng tại buổi họp báo, Trợ lý cố vấn pháp lý Robert Harris thuộc Văn phòng Cố vấn Pháp lý của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nói về sự ra đời của báo cáo mới nhất.
“Sau vụ kiện Philippines - Trung Quốc năm 2016, Trung Quốc đã tái khẳng định các yêu sách trên Biển Đông, làm rõ việc nước này có yêu sách về quyền lịch sử và đưa ra một giả thuyết “mới lạ” rằng các nước có thể vẽ đường cơ sở quanh các nhóm đảo ở Biển Đông”, ông Harris cho hay.
“Vì Trung Quốc tái khẳng định các yêu sách trên, nên phân tích năm 2014 của chúng tôi đã không còn hoàn chỉnh. Do đó, chúng tôi đã cố gắng hiểu rõ nhất có thể yêu sách mới của Trung Quốc và đánh giá yêu sách đó để phục vụ cho luật pháp quốc tế”, ông Harris tiếp tục giải thích về mục đích ra đời báo cáo mới nhất của Mỹ về Biển Đông.
Ngày 12/1, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố báo cáo mới nhất trong loạt báo cáo có tiêu đề “Ranh giới trên biển”. Báo cáo này xem xét các phản ứng của Bắc Kinh đối với phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài và khẳng định hầu hết yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp. Ấn bản trước đó được công bố vào năm 2014.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, thông qua việc công bố báo cáo mới nhất, Washington kêu gọi Bắc Kinh tuân theo luật pháp quốc tế, ngừng các hoạt động ép buộc và phi pháp ở Biển Đông.
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam liên quan đến việc Bộ Ngoại giao Mỹ vừa công bố báo cáo số 150 về các ranh giới biển, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm 14/1 nhấn mạnh, Việt Nam ghi nhận việc Bộ Ngoại giao Mỹ công bố báo cáo số 150 về các ranh giới biển.
Liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam đã nhiều lần khẳng định quan điểm nhất quán và rõ ràng của mình, cả trong khuôn khổ song phương cũng như đa phương. Theo đó, Việt Nam luôn phản đối và không chấp nhận mọi yêu sách liên quan không phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Nhân dịp này, người phát ngôn cho biết: "Việt Nam một lần nữa đề nghị các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, có đóng góp tích cực và thực chất nhằm duy trì hòa bình, ổn định, bảo vệ an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, tính toàn vẹn của UNCLOS và trật tự dựa trên luật lệ”.
>>> Đọc tin thế giới 24h trên VietNamNet
Việt Anh
‘Thần sấm’ F-35 gặp tai nạn khi tập trận ở Biển Đông
Theo Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, vụ tai nạn xảy ra khi chiếc F-35 đang tiến hành hạ cánh lên tàu sân bay USS Carl Vinson.
Mỹ phản ứng về tin tàu chiến bị Trung Quốc 'xua đuổi' gần Hoàng Sa
Hải quân Mỹ bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc về việc đã triển khai lực lượng 'xua đuổi' tàu khu trục USS Benfold đang hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.