Trả lời phỏng vấn với trang tin AP khi đang ở trên trinh sát cơ P-8A Poseidon để tuần tra Biển Đông, Đô đốc John C. Aquilino, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ (USINDOPACOM), tiết lộ hoạt động xây dựng phi pháp kho tên lửa, nhà chứa máy bay, hệ thống radar và các cơ sở quân sự khác của Trung Quốc trên đá Vành Khăn, đá Subi và đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam dường như đã hoàn tất. 

Tuy nhiên, chưa rõ nước này có xây thêm hạ tầng quân sự ở các thực thể khác hay không. "Các thực thể đó có chức năng mở rộng khả năng tấn công của Trung Quốc ra ngoài bờ biển của họ", ông Aquilino cho biết. "Họ có thể cho tiêm kích và oanh tạc cơ xuất kích, cộng thêm khả năng tấn công bằng tên lửa".

{keywords}
Đô đốc John C. Aquilino (trái) giám sát các động thái ở Biển Đông trên trinh sát cơ P-8A Poseidon. Ảnh: AP

“Tôi nghĩ rằng trong 20 năm qua, chúng ta đã chứng kiến đợt tăng cường lực lượng quân sự lớn nhất của Trung Quốc kể từ Thế chiến 2. Họ đã phát triển mọi năng lực và sự gia tăng việc quân sự hóa này đang gây bất ổn trong khu vực”, vị đô đốc nhận định thêm.

Giới chức Trung Quốc chưa đưa ra bình luận về phát biểu này. Bắc Kinh luôn khẳng định năng lực quân sự của mình chỉ mang mục đích phòng vệ. Nhưng sau nhiều năm tăng việc chi tiêu cho lĩnh vực quân sự, Trung Quốc giờ đây đang có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, và đang nhanh chóng hiện đại hóa lực lượng của mình với các hệ thống vũ khí như tiêm kích tàng hình J-20, tên lửa siêu vượt âm và 2 tàu sân bay.

Đô đốc Aquilino cảnh báo, bất cứ máy bay quân sự hay dân sự nào bay qua khu vực Biển Đông "có thể dễ dàng lọt vào tầm bắn của các hệ thống tên lửa Trung Quốc" triển khai trái phép trên những thực thể thuộc quần đảo Trường Sa.

"Đó là mối đe dọa hiện hữu và là lý do khiến mọi người quan tâm tới hoạt động quân sự hóa các thực thể này", ông nói. "Chúng đe dọa tất cả quốc gia hoạt động trong vùng lân cận, cũng như toàn bộ vùng biển và vùng trời quốc tế".

Chỉ huy USINDOPACOM cũng cho biết, mục tiêu chính của Mỹ tại khu vực tranh chấp này là “ngăn ngừa chiến tranh” thông qua răn đe, thúc đẩy hòa bình và ổn định, bao gồm việc phối hợp với các đồng minh và đối tác có chung quan điểm.

Đá Vành Khăn, đá Subi và đá Chữ thập là 3 trong số 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng trái phép. Các thực thể còn lại là đá Gaven, đá Tư Nghĩa, đá Gạc Ma và đá Châu Viên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.

"Các hành vi dưới mọi hình thức vi phạm chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển của mình đều vô giá trị, không được công nhận và Việt Nam kiên quyết phản đối", bà Lê Thị Thu Hằng cho hay.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao đề nghị các bên không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông, tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

>>> Đọc tin quân sự trên VietNamNet

Việt Anh

Chiến hạm Mỹ, Nhật, Australia tập trận chung ở Biển Đông

Chiến hạm Mỹ, Nhật, Australia tập trận chung ở Biển Đông

Chiến hạm từ 3 nước Mỹ, Nhật Bản và Australia tập trận trên Biển Đông nhằm phát đi thông điệp thúc đẩy tự do hàng hải và ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Trung Quốc tập trận ở Biển Đông, gần Việt Nam

Trung Quốc tập trận ở Biển Đông, gần Việt Nam

Trung Quốc thông báo đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự kéo dài hơn một tuần tại Biển Đông, ở khu vực giữa tỉnh Hải Nam của nước này và Việt Nam.