Trong một bài viết đăng tải trên tờ New York Times hôm 31/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Washington đã hành động nhanh chóng để gửi cho Kiev một lượng đáng kể vũ khí và đạn dược, với mục tiêu giúp Ukraine "có thể chiến đấu trên chiến trường và chiếm vị trí có lợi nhất trên bàn đàm phán".

Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) M142. Ảnh: Wikimedia

Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính quyền Biden nói thêm, trong số các vũ khí tân tiến chuyển giao cho Ukraine sẽ bao gồm cả Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) M142. 

Theo các chuyên gia, M142 là hệ thống pháo phản lực đa nòng được phát triển từ tổ hợp M270, với mỗi hệ thống mang được 6 quả đạn M31 cỡ nòng 227mm, có tầm bắn 70km hoặc một tên lửa chiến thuật MGM-140 ATACMS có khả năng đánh trúng mục tiêu cách 300km. Cách đây một tháng, người đứng đầu các lực lượng vũ trang Ukraine từng tuyên bố, HIMARS là "tối quan trọng" để chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga.

Nhằm trấn an những lo ngại về việc cung cấp loại vũ khí uy lực mạnh như trên có thể khiến Mỹ rơi vào thế đối đầu trực tiếp với Nga, các quan chức cấp cao ở Washington nói, phía Kiev đã cam kết sẽ không sử dụng chúng để tập kích sang đất của Nga.

"Các hệ thống này sẽ được Ukraine dùng để đẩy lùi các bước tiến của Nga trên lãnh thổ Ukraine, nhưng chúng sẽ không được sử dụng nhắm bắn các mục tiêu trong lãnh thổ Nga", quan chức Mỹ tuyên bố trước báo giới.

Cam kết viện trợ quân sự mới nhất của Washington dành cho Kiev, ngoài số khí tài trị giá hàng tỷ USD đã chuyển giao, bao gồm cả các tên lửa phòng không, tên lửa chống tăng và máy bay không người lái, được đưa ra khi các lực lượng Moscow đang tập trung đánh chiếm vùng Donbass, miền đông Ukraine. 

Thống đốc khu vực Serhiy Gaidai hôm 31/5 xác nhận, binh lính Nga hiện đã giành quyền kiểm soát phần lớn thành phố công nghiệp Sievierodonetsk ở Luhansk, một trong hai tỉnh thuộc Donbass, mục tiêu giai đoạn 2 chiến dịch tấn công quân sự của Moscow ở nước láng giềng sau khi không sớm chiếm được thủ đô Kiev ở giai đoạn đầu cuộc chiến. 

Tuấn Anh

Đòn trừng phạt mới của EU ảnh hưởng đến Nga thế nào?Lệnh cấm vận mới của Liên minh châu Âu (EU) chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu thô của Nga, nhưng có thể sẽ không gây tổn hại lớn đến nền kinh tế nước này cho đến khi các giới hạn chính thức có hiệu lực.