455814 o.jpg
Cạnh tranh Mỹ-Trung trong các lĩnh vực công nghệ chiến lược tiếp tục diễn biến phức tạp.

Trong bối cảnh sự lo ngại về an ninh quốc gia liên quan đến nguồn cung chất bán dẫn từ Trung Quốc ngày càng gia tăng, Mỹ sẽ tiến hành rà soát chuỗi cung ứng chất bán dẫn trong nước. Đáng chú ý, quyết định này được đưa ra ngay sau khi Trung Quốc dừng xuất khẩu công nghệ chế biến đất hiếm từ tháng 12/2023.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nhấn mạnh rằng chỉ những nỗ lực của chính phủ Mỹ không thể giúp đảm bảo chuỗi cung ứng bán dẫn đáng tin cậy, vì vậy ngành bán dẫn trong nước cũng sẽ phải đóng vai trò tích cực trong quá trình này.

Việc rà soát sẽ giúp củng cố chuỗi cung ứng chất bán dẫn, tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn cho hoạt động sản xuất chip truyền thống và giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào nguồn cung chip sản xuất tại Trung Quốc.

Ngoài ra, quá trình đánh giá sẽ cung cấp các dữ liệu cần thiết để phát triển các chiến lược xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn mạnh mẽ, đa dạng và linh hoạt của Mỹ.

Quy trình rà soát dự kiến sẽ bắt đầu khởi động vào tháng 1/2024, được kết hợp với các khoản tài trợ và giải thưởng mới theo Đạo luật Khoa học và CHIPS của Mỹ. Đạo luật này được thông qua vào tháng 2/2023, cung cấp khoản vốn trợ cấp 52,7 tỷ USD cho hoạt động sản xuất chip trong nước và tín dụng thuế cho các nhà sản xuất chip nội địa để giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào nguồn cung cấp nước ngoài.

Ở châu Âu cũng xuất hiện những quan ngại tương tự về sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp chip nước ngoài, đặc biệt là đối với các nhà sản xuất Trung Quốc.

Vào tháng 9/2023, đạo luật Chip châu Âu chính thức có hiệu lực, với mục tiêu đảm bảo độ tin cậy của chuỗi cung ứng chip và tăng cường hoạt động sản xuất tại EU. Mục tiêu chính của luật là gia tăng thị phần của EU trên thị trường chip toàn cầu lên 20% vào năm 2030.

Sáng kiến ​​này dự kiến sẽ cung cấp 3,3 tỷ euro để hỗ trợ xây dựng các dây chuyền sản xuất tiên tiến, phát triển nền tảng thiết kế chip dựa trên đám mây và tạo ra một hệ thống đảm bảo độ tin cậy của chuỗi cung ứng chip.

(theo OL)