Tăng lãi suất lần thứ 6

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) rạng sáng 3/11 (giờ Việt Nam) tăng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm phần trăm lần thứ 4 liên tiếp trong năm nay lên 3,75-4%/năm - mức lãi suất điều hành của Mỹ cao nhất kể từ tháng 1/2008. 

Đây là lần tăng lãi suất thứ 6 liên tiếp trong năm 2022 của Fed, với mức tăng tổng cộng là 375 điểm phần trăm, đưa lãi suất từ mức thấp lịch sử 0-0,25% giai đoạn 2020-2021 lên vùng 3,75-4%.

Đây là nhịp độ thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt nhất kể từ đầu thập niên 80.

Mức độ tăng lãi suất lần này không bất ngờ, đúng như dự báo của nhiều tổ chức trên thế giới. Tuy nhiên, điều mà thị trường quan tâm là động thái tiếp theo của Fed và đánh giá của Fed về thực trạng nền kinh tế Mỹ.

Mỹ tăng lãi suất lên mức cao nhất kể từ đầu 2008. (Biểu đồ: M. Hà)

Thị trường đã có những phản ứng thay đổi liên tục sau những lời phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell.

Trong những lời đầu tiên ông Jerome Powell ám chỉ về một sự thay đổi chính sách có thể xảy ra trong tương lai. Theo đó, khi xác định tốc độ nâng lãi suất tương lai trong phạm vi mục tiêu, Uỷ ban thị trường mở của Fed (FOMC) sẽ tính đến việc thắt chặt chính sách tiền tệ, những độ trễ mà chính sách tiền tệ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và lạm phát, cũng như phát triển kinh tế và tài chính.

Tuy nhiên, những hy vọng của nhiều nhà đầu tư tiêu tan sau khi ông Powell có những phát biểu cứng rắn về nỗ lực chống lạm phát của Mỹ.

Theo đó, ông Powell cho biết, “còn quá sớm” để nói về việc ngừng nâng lãi suất và phát tín hiệu cho biết, mức lãi suất cuối cùng sẽ cao hơn so với dự kiến trước đây.

Trước đó, Fed đưa ra tín hiệu cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất lên mức 4,5-4,6% trong năm 2023 và có thể sẽ bắt đầu hạ lãi suất từ năm 2024.

Gần đây, nền kinh tế Mỹ đón nhiều tín hiệu tích cực, có thể thoát khỏi suy thoái khi ghi nhận tăng trưởng dương trở lại trong quý 3/2022, sau khi âm trong 2 quý đầu năm. Những tín hiệu tích cực khiến các chuyên gia và giới đầu tư kỳ vọng Fed sẽ đảo chiều chính sách thắt chặt sang nới lỏng dần sớm hơn so với dự kiến.

Quyết định tăng lãi suất của Fed được đưa ra sau khi Mỹ công bố dữ liệu việc làm trong tháng 10 tích cực, dữ liệu việc làm khu vực tư nhân tốt hơn dự báo cho thấy một thị trường lao động có khả năng phục hồi.

Đây là mức tăng 75 điểm lần thứ 4 liên tiếp. (Ảnh: CNBC)

Nhưng những tuyên bố của chủ tịch Powell cho thấy, cuộc chiến chống lạm phát của Mỹ còn kéo dài. Fed cho biết, cơ quan này sẽ tăng lãi suất lên mức đủ để kéo lạm phát về mức 2% theo thời gian.

Trước đó, một số quan chức Fed cùng với các chuyên gia trên Phố Wall đã bàn về khả năng Fed nâng lãi suất chậm lại trong tương lai, cụ thể nâng 50 điểm cơ bản trong tháng 12 và nâng nhẹ hơn trong năm 2023.

Thị trường tài chính, hàng hóa chao đảo

Ngay sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết lạm phát vẫn còn quá cao và chỉ ra rằng ngân hàng trung ương có nhiều đợt nâng lãi suất hơn trong tương lai, thị trường chứng khoán Mỹ đã quay đầu giảm điểm sau khi tăng vào đầu phiên.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones mất hơn 505 điểm (gần 1,6%), trong khi chỉ số tầm rộng S&P 500 giảm 2,5%; chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm mạnh gần 3,4%.

Sự kỳ vọng về một chính sách nới lỏng hơn của Fed đã tiêu tan.

Chứng khoán Mỹ đánh mất đà hồi phục.

Trước đó, chứng khoán Mỹ đã có tháng tăng điểm mạnh nhất trong 46 năm qua và chấm dứt chuỗi 2 tháng giảm liên tiếp nhờ kỳ vọng nói trên. Chỉ số công nghiệp Dow Jones đã hồi phục tổng cộng gần 14% trong tháng 10. S&P 500 tăng 8%.

Tuy nhiên, với những diễn biến mới, chứng khoán Mỹ trở lại với đà giảm. Tính từ đầu năm tới rạng sáng 3/11 (giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones vẫn mất 11,5%. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt 21% và 32,7%.

Đồng USD ngay lập tức tăng mạnh theo tín hiệu còn tăng lãi suất kéo dài của Fed. Chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt lên 112,2 điểm, tương đương mức tăng 0,8% so với phiên liền trước.

Một đồng USD mạnh sẽ tiếp tục gây áp lực lên các đồng tiền khác trên thế giới. Nhiều đồng tiền chủ chốt trên thế giới đã giảm 10-30% so với đồng bạc xanh kể từ đầu năm 2022.

Giá vàng trong khi đó quay đầu sụt giảm hơn 20 USD chỉ trong vài giờ đồng hồ, trước cho tới sau bài phát biểu của ông Powell xuống 1.635 USD/ounce.

Hiện tại, Mỹ ghi nhận lạm phát vẫn ở mức cao: 8,2% trong tháng 9/2022 (so với cùng kỳ), chỉ giảm nhẹ so với đỉnh 40 năm ở mức 9,1% ghi nhận hồi tháng 6/2022.

Giới đầu tư lo ngại, nếu Fed tiếp tục nâng lãi suất mạnh và giữ lãi suất cao kéo dài có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái.

Trước đó, Chủ tịch Fed Powell cho rằng, kinh tế Mỹ có thể “hạ cánh mềm”, trong khi đó Tổng thống Joe Biden khẳng định kinh tế Mỹ không suy thoái. Tuy nhiên, nguy cơ này vẫn được nhiều chuyên gia nhắc tới. Trong năm nay, kinh tế Mỹ gần như không tăng trưởng ngay cả khi tác động từ các đợt nâng lãi suất chưa thể hiện hoàn toàn.

GDP Mỹ giảm trong 2 quý đầu năm 2022 và tăng trưởng 2,6% trong quý 3.

Giá nhà ở Mỹ giảm mạnh khi lãi suất thế chấp 30 năm vượt 7%/năm.