Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tới thăm Mỹ với các tuyên bố trấn an chính quyền Washington cùng người dân Mỹ và các thỏa thuận kinh tế trị giá hàng chục tỉ USD. Tuy nhiên, trên thực tế, căng thẳng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới chưa thể được giải quyết chỉ trong một cuộc gặp thượng đỉnh.
Cấp cao Trung-Mỹ: Hào nhoáng mà căng thẳng
Obama: Trung Quốc lớn mạnh có thể giúp Mỹ
Trung - Mỹ hướng tới lòng tin chiến lược
Kinh tế Trung-Mỹ hay chuyện cây gậy và củ cà rốt
Mỹ - Trung sẽ có thỏa thuận an ninh hạt nhân
Mỹ coi Trung Quốc là số 1 về kinh tế
Nghị sĩ Mỹ dọa Trung Quốc
Tổng thống Mỹ
Obama và
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Nhà Trắng. Ảnh: AP
Cùng lúc đó tại Mỹ, lời kêu gọi trừng phạt kinh tế với Bắc Kinh ngày một lớn và phổ biến hơn. Tháng 9/2010, Hạ viện thông qua với tỉ lệ 348/79 phiếu dự luật áp thuế với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trong nỗ lực đáp trả chính sách giữ tỉ giá đồng bản tệ ở mức thấp mà Bắc Kinh theo đuổi. Các tác giả của dự luật này tin rằng, chính sách tỉ giá của Trung Quốc đã tạo lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu của nước này, làm tăng giá sản phẩm cũng như chi phí nhân công Mỹ, góp phần tạo nên tỉ lệ thất nghiệp lớn.
Washington chú ý tới sự căng thẳng bằng nỗi quan ngại lớn. "Nó rất nguy hiểm vì vào đúng thời điểm về phía Trung Quốc là chủ nghĩa dân tộc gia tăng mạnh, sự bất an và tham vọng xảy ra”, một nhà nghiên cứu cấp cao cho biết. "Trong khi về phía Mỹ, người dân lại sợ hãi và tức giận cũng như cảm thấy mọi sự không công bằng".
Một số quan chức Mỹ hy vọng rằng, những đối đầu năm qua sẽ ở lại phía sau, và Bắc Kinh đã hiểu được là các lợi ích của chính họ sẽ bị hủy hoại nếu thực hiện đường lối cứng rắn với Washington. Những quan chức cấp cao trong chính quyền Obama chỉ ra, việc triển khai tàu sân bay hạt nhân U.S.S. George Washington tới Hoàng Hải ngay sau hành động tấn công vào hòn đảo Hàn Quốc từ phía Triều Tiên đã gửi một bức thông điệp rõ ràng rằng, sự “miễn cưỡng” của Bắc Kinh trong việc kiềm chế Bình Nhưỡng sẽ mang lại những hậu quả không mong muốn.
Cũng tương tự như vậy, Nhà Trắng lập luận, nỗi bất an ngày một gia tăng ở các quốc gia láng giềng như một số nước Đông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật Bản trước cách hành xử “quả quyết” của Trung Quốc, đặc biệt trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, đã đủ để “thuyết phục” các lãnh đạo chính trị Trung Quốc “giảm âm lượng” trong những tuyên bố đưa ra.
Tuy vậy, các quan chức hàng đầu của Mỹ lo ngại rằng, hai năm tới có thể sản sinh ra nhiều “điểm hỏa mới” dẫn tới tranh cãi, đối đầu khi hệ thống chính trị của cả Mỹ và Trung Quốc đều bước vào giai đoạn chuyển giao quyền lực. Tại Trung Quốc, ông Hồ Cẩm Đào sẽ không giữ chức vụ Chủ tịch vào 2012. Có thể một đường lối cứng rắn hơn là điều chỉnh phù hợp với những yêu cầu của Mỹ sẽ được áp dụng.
Tại Mỹ, những ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng có mục tiêu tranh cử tập trung vào việc làm sẽ tìm ra một cái đích dễ dàng là chính sách tỉ giá tiền tệ của Trung Quốc. "Chúng tôi đã có khoảng thời gian xung quanh cuộc bầu cử giữa kỳ, nơi có nhiều quan điểm tiêu cực về Trung Quốc và các thành viên ủng hộ đều bị chỉ trích”, Myron Brilliant, Phòng Thương mại Mỹ cho biết. Ông nhận định, tình hình có thể tồi tệ hơn trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Ông Hồ Cẩm Đào đã được “nếm trải” sự bất bình của các nghị sĩ Mỹ. Ở quốc hội, Chủ tịch Trung Quốc không được chào đón nồng nhiệt như ở Nhà Trắng. Tân Chủ tịch Hạ viện John Boehner khẳng định “sự quan ngại mạnh mẽ và sâu sắc về những báo cáo nhân quyền tại Trung Quốc”. Tân Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đến từ đảng Cộng hòa, Ileana Ros-Lehtinen, đã gửi tới ông Hồ Cẩm Đào lá thư bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về nhiều vấn đề như nhân quyền, chính sách tiền tệ và cách hành xử cứng rắn của Trung Quốc.
Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên rằng, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Obama đã “vất vả” để làm cho mối quan hệ hai bên dường như lành mạnh và cải thiện hơn. Nhưng bước vào thời kỳ quá độ chính trị, Trung Quốc và Mỹ sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn và cần làm nhiều hơn nữa để vượt qua những trắc trở mới.
-
Thái An (Theo TIME)