Lần đầu tiên, Bắc Kinh đã cử một đô đốc hải quân tham dự Đối thoại Shangri-La tại Singapore. Theo giới phân tích, dường như đoàn TQ đã chuẩn bị để cố tạo dựng ra tính hơp pháp của chiến dịch cải tạo các bãi ngầm, biến chúng thành đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Báo Bưu điện Hoa nam buổi sáng (Hong Kong) đưa tin, Đô đốc Sun Jianguo, phó tổng tham mưu trưởng quân đội TQ (PLA) sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu gồm 29 quan chức và các nhà quan sát tham dự hội nghị thượng đỉnh an ninh khu vực bắt đầu từ ngày mai. Năm ngoái, đoàn TQ có 25 người.
Sun, 63 tuổi sinh ra ở tỉnh Hà Bắc, từng là thuyền trưởng tàu ngầm Long March của PLA năm 1985.
Bất chấp sự phản đối của quốc tế, TQ vẫn ngang nhiên cải tạo đảo với mưu toan độc chiếm Biển Đông. Ảnh: SMH |
William Choong, nhà phân tích cao cấp về vấn đề châu Á - Thái Bình Dương của Đối thoại Shangri-La cho rằng, vấn đề Biển Đông sẽ là “chủ đề nóng nhất” trong ba tâm điểm chính thảo luận năm nay gồm có chủ nghĩa khủng bố, thương mại và lãnh thổ.
Ở Đối thoại năm ngoái, Mỹ và TQ đã có cuộc đấu khẩu về yêu sách chủ quyền của TQ ở Biển Đông.
“Chúng tôi đã thấy những gì xảy ra năm ngoái khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nói rằng sự gây hấn của TQ ở Biển Đông và những hành động đơn phương của họ gây bất ổn trong khu vực”, Choong nói.
Theo ông, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ năm nay, ông Ashton Carter sẽ có tuyên bố tương tự.
Ngày 27/5, phát biểu tại Bộ chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM) Mỹ ở Honolulu, Hawaii, ông Ashton Carter đã nhấn mạnh lập trường của Mỹ về vấn đề Biển Đông.
"Trước hết, Mỹ muốn thấy các giải pháp hòa bình cho mọi tranh chấp, chấm dứt ngay lập tức và lâu dài việc cải tạo đảo của bất cứ quốc gia có tuyên bố chủ quyền nào. Mỹ cũng phản đối bất cứ hoạt động quân sự hóa nào thêm nữa tại các thực thể đang tranh chấp", người đứng đầu Lầu Năm Góc nói.
"Thứ hai, không có điều gì nhầm lẫn ở đây cả: Mỹ sẽ cho máy bay, tàu thuyền đến hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, như vẫn làm trên toàn thế giới. Với các hành động trên Biển Đông của mình, Trung Quốc đang bước sai nhịp với các thông lệ quốc tế”.
Căng thẳng Biển Đông gia tăng mạnh trong vài tuần gần đây khi hải quân TQ nhiều lần cảnh báo máy bay giám sát Mỹ bay gần khu vực TQ đang cải tạo trái phép các bãi ngầm. Sau đó, Mỹ cáo buộc TQ đã cố làm nhiễu sóng điện tử một máy bay không người lái của họ.
TQ cử đoàn đại biểu tham dự Shangri-La kể từ năm 2007 nhưng chỉ có một lần Bộ trưởng Quốc phòng có mặt vào năm 2011. Năm ngoái, họ cử một phó tổng tham mưu trưởng khác là Trung tướng Wang Guanzhong thuộc lực lượng Nhị pháo - đơn vị tên lửa chiến lược của TQ tham dự.
Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 diễn ra từ ngày 29-31/5 với 6 phiên thảo luận về các chủ đề: Hoa Kỳ và các thách thức an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Các phương thức hợp tác an ninh tại châu Á; Ngăn chặn leo thang xung đột; Vai trò của TQ trong việc duy trì an ninh và ổn định khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Tăng cường trật tự khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Hướng tới giải quyết xung đột tích cực; Các thách thức an ninh toàn cầu và châu Á - Thái Bình Dương.
Đoàn Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh sẽ có bài phát biểu với Chủ đề “Ngăn chặn leo thang xung đột” tại phiên thảo luận thứ 3.
Thái An (tổng hợp)