AP đưa tin, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo tới Quốc hội về việc sẽ sớm lập đại sứ quán lâm thời ở thủ đô Honiara của Solomon ngay trên vị trí từng là cơ sở lãnh sự Mỹ.

Bước đầu, hai nhà ngoại giao Mỹ và năm nhân viên người địa phương sẽ làm việc tại đại sứ quán lâm thời với mức kinh phí hàng năm là 1,8 triệu USD. Phương án xây dựng đại sứ quán cố định với số lượng nhân viên lớn hơn đang được xem xét. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare. (Ảnh: AP)

Cách đây gần một năm, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cảnh báo về tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, khiến việc tái mở cửa đại sứ quán ở Solomon trở thành ưu tiên quan trọng. Trước đó, vào năm 1993, Mỹ đã cho đóng cửa đại sứ quán ở thủ đô Honiara. 

Tháng 4/2022, Solomon đã ký một hiệp ước an ninh với Trung Quốc. Đáp lại, Mỹ đã cử một vài phái đoàn cấp cao tới đây.

“Mỹ cần hiện diện ngoại giao thường trực tại Honiara để tạo ra sự đối trọng hiệu quả trước tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc, và tăng cường sự can thiệp của Mỹ tương xứng với tầm quan trọng của khu vực”, văn bản Bộ Ngoại giao Mỹ gửi tới Quốc hội vào ngày 23/12/2022 viết.

"Sự thiếu vắng đại sứ quán đã hạn chế nghiêm trọng khả năng của Mỹ trong việc giao tiếp với quốc gia nằm ở vị trí chiến lược này một cách nhanh chóng và chính xác”, văn bản nhấn mạnh. 

Để trấn an Mỹ và các đồng minh như Australia và New Zealand, Thủ tướng Solomon cho biết ông sẽ không để Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân tại đây. 

Bên cạnh vấn đề liên quan tới quần đảo Solomon, Mỹ còn tăng cường quan hệ với các quốc gia khác ở Thái Bình Dương. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết hỗ trợ thêm 810 triệu USD cho các quốc đảo Thái Bình Dương trong 10 năm tới, bao gồm khoản tài trợ 130 triệu USD để đối phó với tác động của tình trạng biến đổi khí hậu. 

Nhà Trắng còn công bố kế hoạch công nhận Quần đảo Cook và Niue là các quốc gia có chủ quyền sau “những cuộc tham vấn thích hợp”. Mỹ hiện công nhận quần đảo này là lãnh thổ tự trị.

Minh Thu