CTCP Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) của đại gia Đặng Thành Tâm vừa nhận được giấy phép đầu tư của 3 khu công nghiệp, với tổng diện tích 2.000ha sau 5 năm nộp hồ sơ.
Tổng cộng, KBC có khoảng hơn 5.200 hecta đất khu công nghiệp và và gần 1.180ha đất khu đô thị. Đây là con số rất lớn, chiếm hơn 4,2% quỹ đất khu công nghiệp cả nước.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, cũng đánh giá cao mảng bất động sản công nghiệp và cho rằng đây là mảng bổ trợ cho tập đoàn hiện tại nhưng trong tương lai sẽ là mảng chính của Vinhomes (doanh nghiệp quản lý mảng bất động sản của Vingroup), mang lại dòng tiền thường xuyên cho công ty.
Vinhomes IZ gần đây đã tăng vốn điều lệ lên 18.500 tỷ đồng như một tín hiệu cho thấy sự mạnh tay rót tiền vào bất động sản công nghiệp của Vingroup. Trước đó, Vinhomes bật tín hiệu đầu tư xây dựng khu công nghiệp ở Thủy Nguyên, Hải Phòng. Vinhomes đang quản lý vận hành khu công nghiệp 335ha tại khu công nghiệp Đình Vũ, Cát Hải, Hải Phòng, nơi đặt nhà máy sản xuất ô tô VinFast.
Có thể thấy, bất động sản khu công nghiệp là lĩnh vực đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn trong nước, nhất là trong bối cảnh Việt Nam được kỳ vọng sẽ là công xưởng sản xuất của thế giới nhờ kinh tế vĩ mô ổn định và nền kinh tế có độ mở kinh tế cao, xuất nhập khẩu bằng 200% GDP. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung từ 2018 mở ra thêm nhiều hy vọng cho Việt Nam.
Gần đây, có dấu hiệu cho thấy làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục gia tăng. Trong quý I/2022, theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, vốn đăng ký FDI vào thị trường Việt Nam đạt 3,2 tỷ USD, trong khi giải ngân lên đến 4,42 tỷ USD. Lĩnh vực hút vốn lớn nhất là công nghiệp chế biến chế tạo và bất động sản.
Chia sẻ tại một cuộc họp báo mới đây, ông Đặng Thành Tâm cho rằng, sẽ có dòng vốn lớn từ Mỹ đổ vào Việt Nam, cả FDI và FII; dự báo trong 3 năm, thêm ít nhất 10 tỷ USD vốn đầu tư Mỹ vào Việt Nam.
Nhiều chuyên gia cũng đánh giá tích cực về triển vọng thu hút vốn FDI của Việt Nam.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho rằng, bất động sản khu công nghiệp sẽ mang lại dòng tiền thường xuyên cho tập đoàn.
Với Vingroup, việc phát triển mảng mảng bất động sản khu công nghiệp còn nhằm phục vụ các đơn vị trong chuỗi cung ứng linh kiện ôtô, mục đích nhằm tạo ra một hệ sinh thái xung quanh VinFast cả về yếu tố sản xuất và địa lý.
Chị gái ông Đặng Thành Tâm - bà Đặng Thị Hoàng Yến cũng đã trở lại mạnh mẽ với hoạt động kinh doanh bất động sản công nghiệp tại Việt Nam.
CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo - Itaco (ITA) của bà Đặng Thị Hoàng Yến hồi đầu tháng 5 cho biết, HĐQT doanh nghiệp bổ nhiệm ông Đặng Quang Hạnh (1961) - em ông Đặng Thành Tâm - giữ chức Tổng Giám đốc của công ty kể từ ngày 4/5/2022.
Gần đây, KBC của ông Đặng Thành Tâm liên tục huy động để hoàn thiện hàng loạt dự án bất động sản đang xây dựng dở dang, trong đó phần lớn là các khu công nghiệp như KCN Quang Châu, KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Tân Phú Trung, và 2 khu đô thị lớn là Khu đô thị Phúc Ninh (Bắc Ninh) và KĐT Tràng Duệ (Hải Phòng)…
Theo CBRE, hiện Việt Nam có 325 khu công nghiệp với tổng diện tích 95.000 ha. Diện tích đất này được lấp đầy nhờ hàng loạt các doanh nghiệp Nhật, Hàn, Đài Loan, Trung Quốc… với những gương mặt điển hình như Samsung, LG…
Theo Savills, xu hướng bất động sản công nghiệp sẽ bùng nổ ở những vùng đất mới. Trong quý I/2022, giới đầu tư chứng kiến nhiều thương vụ FDI thành công tại khu vực kinh tế trọng điểm miền Nam. Trên cả nước, số vốn FDI đăng ký đạt hơn 9 tỷ USD. Singapore và Đài Loan tiếp tục là hai quốc gia/vùng lãnh thổ có tổng mức đầu tư đứng đầu thị trường.
Chững lại
Theo BSC, sau hai phiên tăng điểm, đà tăng có dấu hiệu chững lại khi tâm lý cẩn trọng là chủ đạo trong phiên giao dịch 26/5. VN-Index có thể tiếp tục vận động trong vùng 1.250-1.300 điểm trong các phiên giao dịch tới.
Theo YSVN, thị trường chứng k hoán có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh nhẹ và VN-Index sẽ tiếp tục giằng co gần đường trung bình 20 phiên. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên dòng tiền có khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp, điểm tích cực là dòng tiền ngắn hạn cải thiện ở các mức giá cao cho thấy đà hồi phục đang có chiều hướng tích cực hơn và thị trường có thể chỉ xuất hiện nhịp giảm nhẹ trong phiên.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm và xu hướng ngắn hạn của VNMidcaps duy trì ở mức tăng.
Chốt phiên giao dịch chiều 26/5, chỉ số VN-Index tăng 0,14 điểm lên 1.268,57 điểm. Chỉ số HNX-Index của sàn Hà Nội giảm 1,63 điểm xuống 313,29 điểm. Upcom-Index tăng 0,17 điểm lên 94,95 điểm. Thanh khoản đạt tổng cộng 16,1 nghìn tỷ đồng, trong đó có 13,8 nghìn tỷ đông trên sàn HOSE.
V. Hà