Nạn kẹt xe, ùn tắc giao thông đánh mất đi cơ hội phát triển, cản trở khai thông các nguồn lực, gia tăng ngân sách, luân chuyển hàng hóa và hạn chế thu hút đầu tư.

Chiều dài đường giao thông chỉ bằng 1/5 quy chuẩn

Hiện nay TP.HCM có 13 triệu dân, mỗi năm tăng thêm 200.000 người. Không tính xe vãng lai, cả thành phố có gần 9 triệu phương tiện, trong đó hơn 90.000 xe ô tô và khoảng 8 triệu xe máy. Bình quân một ngày có khoảng 1.000 phương tiện đăng ký mới, tức mỗi tháng có thêm 30.000.

Trong khi đó, diện tích cầu đường tăng thêm không đáng kể. Tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị chỉ là 13,3%. Tổng chiều dài các tuyến đường hơn 4.700km, mật độ 2,38km/km2, chỉ bằng 1/5 so với quy chuẩn.

Người Pháp quy hoạch Sài Gòn xưa cho khoảng 500 ngàn người. Trước năm 1975, công ty Công ty Doxiadis Associates (Hy Lạp) quy hoạch đô thị cho cho 2,4 triệu dân, nhưng chưa thực hiện được bao nhiêu.

ket xe 559.jpg
TP. HCM hiện có gần 9 triệu phương tiện, trong đó hơn 90.000 xe ô tô và khoảng 8 triệu xe máy

Sau năm 1975, dân số bắt đầu gia tăng, hạ tầng giao thông bị quá tải. Chính quyền thành phố cũng đã lập quy hoạch và triển khai thực hiện vẫn không theo kịp nhu cầu thực tế.

Theo đề án quy hoạch đến năm 2020, một số công trình lớn đã hoàn thành và phát huy tác dụng như đại lộ Đông Tây, xa lộ Hà Nội, đường Nguyễn Hữu Thọ, Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài và cầu Thủ Thiêm, Phú Mỹ, Rạch Chiếc, Bình Triệu 2, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Tri Phương…

Tuy nhiên, nhiều công trình vẫn chưa thực hiện được, gồm 5 tuyến đường trên cao, khép kín các đường vành đai, trục xuyên tâm Đông - Bắc, di dời các cảng trong nội đô, cải tạo và nâng cấp gần 100 nút giao thông khác mức, hàng chục dự án bến bãi đậu xe.

Mới đây, Sở GTVT TP.HCM đã đăng ký với UBND TP trình HĐND TP tại kỳ họp chuyên đề tháng 12-2023, xem xét thông qua chủ trương đầu tư 10 dự án thuộc lĩnh vực giao thông như cầu đường Nguyễn Khoái, cầu Cần Giờ, đường vành đai 2, Nguyễn Thị Định, Vĩnh Lộc...

Theo Sở GTVT, các dự án trọng điểm này đã có kế hoạch từ nhiều năm nhưng chưa thể triển khai vì nguồn lực đầu tư còn hạn chế.

Nhiều dự án đội vốn và kéo dài

Những dự án trọng điểm này cần có cách làm khác đi từ kinh nghiệm xương máu của nhiều dự án đội vốn, kéo dài.

Như năm 2012, khởi công metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), vốn đầu tư 1,1 tỉ USD, nay đã tăng lên gần 3 tỉ USD nhưng vẫn chưa thể đưa vào khai thác. Trước đó, lúc lập quy hoạch, 6 tuyến metro dự kiến vốn chỉ hơn 3 tỉ USD, sau này điều chỉnh kéo dài và bổ sung 3 tuyến xe điện mặt đất có nhu cầu vốn 25,8 tỉ USD. 

tau metro.jpeg
Tàu metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) ở thành phố Hồ Chí Minh

Dự án mở rộng Quốc lộ 13, lúc đề xuất chủ trương đầu tư tổng vốn hơn 4.000 tỉ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng khoảng 2.500 tỉ đồng. Đến nay tổng vốn cho dự án này đã lên gần 10.000 tỉ đồng, giải phóng mặt bằng đội lên 8.176 tỉ đồng.

Gần có 2 đề án quy hoạch giao thông, cần 22 tỉ USD đến năm 2020 (tỉ giá lúc đó 1 USD tương đương 18.500 đồng, 407.000 tỉ đồng), 960.000 tỉ đồng đến năm 2030. Điều này cho thấy càng chậm đầu tư, dự án thi công kéo dài càng đội khủng.

Ùn tắc, kẹt xe chưa được kéo giảm có phần đầu tư thiếu đồng bộ. Dễ thấy nhất tại một số nút giao bằng cầu vượt thép, giải quyết cục bộ điểm đen này thì phát sinh chỗ khác.

Cùng tuyến đường làm xong cầu vượt Ngã năm Nguyễn Kiệm, luồng giao thông tăng mạnh hướng về sân bay phải làm cầu vượt Trường Sơn, trên đường Cộng Hòa có cầu vượt Hoàng Văn Thụ và Hoàng Hoa Thám. Mở rộng đường Lê Trọng Tấn, phát sinh kẹt xe tại nút giao Trường Chinh. Hiện nay đang mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quỳ đoạn từ Bình Long đến Mã Lò, trong khi đó mật độ giao thông rất cao trên đoạn ngược lại và hướng về trung tâm chưa được thực hiện.    

Còn có những công trình khác, nếu đổi cách làm sẽ hiệu quả hơn. Như các đường trong khu đô thị Sala, xây cầu qua đảo Kim Cương gần 500 tỉ đồng kết nối khu vực trung tâm lẽ ra nên xem là trách nhiệm chủ đầu tư thực hiện hạ tầng kỹ thuật cho quỹ đất làm dự án thay vì bố trí ngân sách thành phố; phần vốn này dành làm các dự án nhằm tạo thêm giá trị gia tăng.

Trong khi đó, đầu tư công chưa chú trọng yếu tố hiệu quả, tiết kiệm chi phí. Quy trình đề xuất, phê duyệt dự án là giữa cơ quan chủ quản với đơn vị trực thuộc không có sự giám sát độc lập phản biện làm rõ nhu cầu thiết thực, ưu tiên lựa chọn.

Hầu hết các công trình triển khai đều xảy ra hiện tượng đội vốn được chấp nhận thanh toán đã ảnh hưởng đến cạnh tranh trong đấu thầu, gánh nặng lên ngân sách.

Kì 2: Làm cách khác, TP. HCM sẽ cất cánh

Kỹ sư Trần Văn Tường

“Núi” thủ tục đang đè nặng vốn đầu tư côngSau nhiều năm làm quản lý dự án, người viết bài này nhận thấy, cả núi quy trình, thủ tục hiện nay đang đè nặng việc giải ngân vốn đầu tư công, làm nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn gặp khó khăn trong triển khai.