Ám ảnh xe bắt khách dọc đường

Hơn 20 năm trước, khi còn là sinh viên ra Hà Nội đi học, mỗi lần ra bến Giáp Bát bắt xe khách về quê, tôi luôn bị ám ảnh bởi cảnh tượng “cò xe” chèo kéo, đe dọa ép buộc khách phải lên xe. 

Có lần đứng trên đường Giải Phóng bắt xe về quê, thấy xe khách tuyến Giáp Bát - Thanh Hóa lượn vòng vo mấy vòng bến Nước Ngầm – Giáp Bát để gom khách, thấy lơ xe mời chào tôi kiên quyết không lên thì bất ngờ bị “cò xe” túm áo, rút kim tiêm dính máu đe dọa buộc tôi phải lên xe.

Hơn 20 năm sau, đến nay nhìn lại Thủ đô Hà Nội đã có bước phát triển vượt bậc về hạ tầng giao thông, chất lượng phương tiện và quản lý vận tải hành khách cũng tốt hơn. Tuy nhiên, một cảnh tượng xấu vẫn cứ ngang nhiên tồn tại hàng ngày đó là vấn nạn xe bắt khách dọc đường xuất hiện khắp nơi, không chỉ xung quanh các bến xe (Giáp Bát, Mỹ Đình, Nước Ngầm) mà còn len lỏi vào tận các ngõ ngách, khu đô thị, bệnh viện. “Bến cóc” được lập khắp nơi, làm mất trật tự, mỹ quan đô thị và gây ùn tắc giao thông.

Xe khách tuyến cố định chạy sai luồng tuyến dừng đỗ đón trả khách trên đường Phạm Văn Đồng - Phạm Hùng.

Các xe kinh doanh vận tải khách liên tỉnh luôn tìm cách đi vào trung tâm hoặc chạy xuyên tâm Thành phố để gom khách. Thực trạng này cũng là nguyên nhân chính dẫn tới “vỡ trận” bến xe Mỹ Đình trước năm 2015.

Thời điểm đó, các doanh nghiệp vận tải khách luôn tìm mọi cách để đưa được xe vào bến Mỹ Đình hoạt động làm cho bến xe này quá tải; báo chí, lãnh đạo TP.Hà Nội nhiều lần phải đặt nghi vấn về việc mua bán “lốt” vào bến xe Mỹ Đình.

Sau đó, theo đề nghị của UBND TP. Hà Nội, năm 2016 Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Quyết định 2288 và đến năm 2022 là Quyết định 927 công bố danh mục chi tiết mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ bằng xe ô tô đến năm 2025 định hướng 2030 trên toàn quốc. 

Theo Quyết định 927, với tuyến xe khách tuyến cố định có hành trình đi/đến các bến xe TP.Hà Nội: Ưu tiên bố trí luồng tuyến đến/đi từ các tỉnh/thành phố vào các bến xe trên địa bàn thành phố theo nhu cầu và theo hướng tuyến kết nối với mạng lưới giao thông. 

Các tuyến xe khách theo Quốc lộ 1, 1B đi vào bến xe Gia Lâm; các tuyến đi theo hướng đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 6 đi vào bến xe Yên Nghĩa; các tuyến đi theo hướng Quốc lộ 32, Cầu Thăng Long đi vào bến xe Mỹ Đình; các tuyến phía Nam đi theo hướng Quốc lộ 1, đường Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đi vào bến xe Nước Ngầm và bến Giáp Bát.

Sau khi Bộ GTVT ban hành quyết định phân luồng vận tải hành khách liên tỉnh, dư luận xã hội về việc mua bán “lốt” vào bến Mỹ Đình đã không còn, đồng thời cũng hạn chế được các xe đi vào nội đô đón trả khách.

Buông lỏng quản lý xe khách, xe hợp đồng trá hình

Thế nhưng, từ trong và sau dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp kinh doanh xe hợp đồng đã phá vỡ trật tự mà mãi mới lập ra được. Không chỉ lập văn phòng bán vé để gom, đón trả khách trái quy định trong các tuyến phố, khu dân cư, xe hợp đồng trá hình còn không phải nộp thuế và chi phí dịch vụ ra vào bến như xe khách tuyến cố định.

Xe khách dàn hàng ngang đón trả khách trên đường Phạm Hùng (Hà Nội) gây ùn tắc giao thông và mất trật tự đô thị. Ảnh: VOV.

Do xe hợp đồng trá hình chạy vào trung tâm thành phố lấy đi một lượng khách lớn của xe tuyến cố định, nên để tồn tại nhiều doanh nghiệp vận tải chở khách trong bến đã phải lựa chọn “bỏ bến chạy dù”, chạy sai luồng tuyến vào nội đô đón trả khách, nhiều doanh nghiệp phá sản phải dừng kinh doanh.

Thực trạng trên dẫn đến hệ luỵ, phá vỡ quy hoạch vận tải hành khách liên tỉnh, đẩy các tuyến xe chở khách cố định rơi vào cảnh điêu đứng phải dừng hoạt động; ùn tắc giao thông và mất trật tự mỹ quan đô thị ngày càng trầm trọng.

Ấy vậy mà công tác quản lý nhà nước đối với loại hình xe chở khách hợp đồng lại “buông lỏng”?

Dẹp nạn “xe dù, bến cóc” là một vấn đề quan trọng để để cải thiện an toàn giao thông và trật tự đô thị. Do vậy việc thiết lập vùng cấm với xe khách liên tỉnh, xe hợp đồng trá hình trong khu vực nội đô đông dân cư như Hà Nội, TP.HCM đang làm là quy định bắt buộc. 

Do vậy, trong Dự thảo sửa đổi Nghị định 10/2020/ NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đang được Bộ GTVT soạn thảo, đại diệc Cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, luồng tuyến xe khách liên tỉnh cố định trên toàn quốc vẫn phải theo hướng tuyến tại Quyết định 927 của Bộ GTVT, chỉ thay đổi phương thức thực hiện. Thay vì địa phương báo cáo Bộ GTVT bổ sung luồng tuyến lên phần mềm quản lý tuyến vận tải cố định của bộ, thì địa phương được thực hiện, cập nhật trực tiếp lên phần mềm để giảm thủ tục hành chính.

Tất nhiên khi cấm xe khách liên tỉnh vào trung tâm đón trả khách, TP.Hà Nội phải tăng cường hơn nữa việc kết nối giao thông công cộng (xe buýt, taxi, xe trung chuyển) đảm bảo đi lại thuận tiện cho người dân từ nhà ra bến xe và ngược lại. 

Ứng dụng công nghệ để quản lý hiệu quả

Để quản lý hiệu quả hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh cũng như xử lý dứt điểm xe chở khách hợp đồng trá hình, có 2 vấn đề cần phải thực hiện song song. Thứ nhất, phải cụ thể hoá chế tài xử phạt để đảm bảo tính răn đe và thứ hai, phải chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới trong công tác quản lý để đem lại hiệu quả thiết thực hơn.

Chế tài xử phạt còn rất nhiều vướng mắc trong Nghị định 10/2020 quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô. Quy định về chế tài xử phạt vi phạm thu hồi phù hiệu xe kinh doanh chưa cụ thể, dẫn tới có đơn vị vừa nộp lại phù hiệu đã lập tức xin cấp mới, hoặc không nộp phù hiệu cũng không có chế tài xử lý.

Bên cạnh đó, Nghị định 10/2020 cũng thiếu chế tài cụ thể để thu hồi đăng ký tuyến của xe khách, dẫn tới nhiều xe đăng ký tuyến nhưng thực tế không vào bến xe, mà ra ngoài chạy dù, lập bến cóc.  

Do vậy, cần có biện pháp xử phạt nghiêm khắc đối với xe khách chạy sai quy định, xe hợp đồng hoạt động trá hình qua việc quy định rõ hơn hình thức xử lý thu hồi phù hiệu. Theo đó, cần phải quy định thời hạn đơn vị vận tải phải nộp lại phù hiệu; thời hạn thu hồi phù hiệu xe kinh doanh cũng cần chặt chẽ hơn. Các xe vào bến nếu không đạt số chuyến nhất định đã đăng ký trong tháng sẽ bị đình chỉ khai thác tuyến.

Xe hợp đồng trá hình vào các ngõ ngách trung tâm Thủ đô Hà Nội đón trả khách. 

Về phương thức quản lý, hiện nay hệ thống phần mềm giám sát hành trình của Bộ GTVT lạc hậu, không được cập nhật, dẫn tới khó khai thác dữ liệu để xử lý xe khách vi phạm. Trong khi quản lý vận tải hành khách vốn rất phức tạp nên không chỉ trông chờ vào lực lượng chức năng (Công an, Thanh tra giao thông) trực tiếp kiểm tra, xử lý vi phạm. 

Vì thế, Bộ GTVT cần sớm thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong quản lý vận tải hành khách trên cả nước theo hướng tối ưu hóa; phần mềm quản lý phải được xây dựng theo hướng tự động tổng hợp các lỗi vi phạm như: Chạy sai luồng tuyến, chạy quá tốc độ… của đơn vị kinh doanh vận tải, của lái xe và phương tiện để tiến hành phạt nguội. 

Việc ứng dụng công nghệ trong quản lý vận tải hành khách không chỉ giúp tăng cường hiệu quả và công bằng của quá trình quản lý, xử phạt mà còn đóng góp quan trọng vào việc duy trì an toàn giảm ùn tắc, lập lại trật tự văn minh đô thị.

Vũ Điệp