Hiện nay, công tác quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm hàng nông sản được thực hiện theo Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2023; Đề án Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản  giai đoạn 2021 - 2030; Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025; Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030...

2 bai chinh sach 1.jpg
Năm 2023, ngành nông nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.

Những năm qua, ngành nông nghiệp đã tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm. Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2023 toàn ngành đã đã tổ chức trên 12.000 hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn phổ biến quy định về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm cho gần 2 triệu lượt cán bộ, doanh nghiệp, người dân; xây dựng và phát gần 23.600 lượt bản tin trên đài phát thanh, truyền hình, loa đài địa phương, lượt tin, bài trên báo điện tử và báo giấy; hơn 43.100 băng rôn, khẩu hiệu, áp phích và gần 1,5 triệu tờ rơi, tờ gấp. Bên cạnh đó, ngành đã triển khai các nhiệm vụ thuộc Chương trình phối hợp giữa Chính phủ với Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về “Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn  2021  - 2025”; Thực hiện “Kế hoạch hành động quốc gia để thực thi hiệu quả Hiệp định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của WTO và cam kết trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do”.

Cùng với các hoạt động trên, ngành đã đẩy mạnh phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản  an toàn và chương trình “Nông nghiệp sạch cho người Việt Nam, cho Thế giới”, nhất là cho các đô thị lớn; tổ chức sản xuất theo hướng tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; tăng cường sử dụng vật tư nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Đến nay, đã xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn với 2.510 chuỗi (duy trì kết quả từ cuối năm 2022), trong đó có sự tham gia của trên 300 công ty, 150  hợp tác xã.

Đặc biệt, Bộ đã chỉ đạo nhân rộng, mở rộng sản xuất nông nghiệp tập trung, sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đến nay có 217.098 ha cây trồng được chứng nhận VietGAP với 14.048 cơ sở, doanh nghiệp được chứng nhận (tăng 84.909 ha và 776 cơ sở so với cuối năm 2022); diện tích nông lâm thủy sản  được chứng nhận VietGAP là 9.367 ha với 954 cơ sở được chứng nhận (tăng 107 cơ sở); 4.882 trang trại và hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP (tăng 1.034 trang trại và hộ chăn nuôi).

Cùng với đó là hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương tổ chức lực lượng quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm. Chuyển từ thanh, kiểm tra theo kế hoạch sang thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất; tăng cường kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp, thắt chặt khâu buôn bán, lưu thông. 

Có thể thấy, ngành nông nghiệp Việt đang từng bước thay đổi từ cách tiếp cận nông nghiệp nâu sang nông nghiệp xanh, tăng cường áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, phát triển chăn nuôi bền vững theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, tạo được lòng tin với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh tổ chức sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị gắn với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm; cùng với đó là xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm; tổ chức cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, ao nuôi bảo đảm truy xuất nguồn gốc; mã cơ sở đóng gói, nhãn mác hàng nông sản. Nhân rộng các chuỗi cung ứng ngành hàng, chuỗi giá trị nông lâm thủy sản an toàn gắn với truy suất nguồn gốc.

Nguyễn Hạnh và nhóm PV, BTV