Thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập với quốc tế, công tác PCCC&CNCH cũng gặp nhiều thách thức để đáp ứng xu hướng phát triển tất yếu này.
Một trong những khó khăn dễ thấy xuất phát từ chính lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH. Theo đó, biên chế của lực lượng vẫn còn hạn chế, trong khi đó, tình hình thực tiễn đặt ra những nhiệm vụ ngày một lớn và phức tạp. Cùng với đó, chất lượng công tác huấn luyện nghiệp vụ PCCC&CNCH cũng chưa đáp ứng được yêu cầu khi lực lượng cán bộ chuyên trách chỉ chiếm 14,7 cán bộ huấn luyện.
Cùng với đó, các trang thiết bị, phương tiện PCCC&CNCH của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. theo thống kê, số xe chữa cháy đã được đưa vào hoạt động trên 20 năm chiếm tới 31,7%, hư hỏng chiếm 33,4%. Điều này tác động trực tiếp tới số lượng xe thường trực ứng phó xử lý sự cố và làm giảm hiệu quả chữa cháy của lực lượng.
Để nâng cao hiệu quả PCCC&CNCH trong tình hình mới đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta cần phát huy công tác xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, đặc biệt chú trọng vào việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, chiến sĩ để đảm bảo đủ cả về số lượng và chất lượng.
PCCC&CNCH là một công việc đặc thù, đòi hỏi những người làm công tác này phải là người có bản lĩnh, có nghiệp vụ chuyên ngành cao, đặc biệt là đối với đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy. Do đó, cần có những biện pháp rà soát, sắp xếp để bố trí nhiệm vụ hợp lý, khoa học, đảm bảo phù hợp với năng lực, sức khỏe, trình độ chuyên môn của các cán bộ.
Để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật của các cán bộ, chiến sĩ, cần phải có những biện pháp đổi mới chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và huấn luyện nghiệp vụ. Đây chính là vấn đề cốt lõi để tạo nên một lực lượng PCCC chính quy, tinh nhuệ, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
Bên cạnh đi sâu vào công tác nghiệp vụ, việc nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ, tin học, công nghệ thông tin để kịp thời thích ứng với các phương tiện, thiết bị, kỹ thuật tiên tiến, đảm bảo các cán bộ chiến sĩ có thể là chủ các phương tiện, thiết bị hiện đại, qua đó, góp phần hoàn thành tốt những nhiệm vụ đã đề ra.
Cùng với đó, lực lượng PCCC&CNCH cũng cần thường xuyên thực hiện các buổi tập huấn, diễn tập các phương án chữa cháy khác nhau, có sự kết hợp với các lực lượng khác nhau để đảm bảo tính chủ động trong công tác PCCC&CNCH.
Các cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác PCCC&CNCH cũng cần phải được nâng cấp, mở rộng, đơn cử như sân tập, mô hình, bể bơi… để đảm bảo đáp ứng được những yêu cầu đặt ra trong tình hình mới. Các phương tiện, thiết bị chữa cháy cũng cần được đầu tư mua sắm mới, hiện đại để nâng cao hiệu quả chữa. Đồ bảo hộ, trang thiết bị bảo đảm an toàn cho cán bộ chiến sĩ cũng cần được chú trọng đầu tư để đảm bảo sự an toàn, chuyên nghiệp.
Ngoài ra, trong tình hình mới, để nâng cao hiệu quả công tác PCCC&CNCH, cần có sự giao lưu, học hỏi với các nước có trình độ chuyên môn cao, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, các chương trình đào tạo, tập huấn chuyên sâu với các chuyên gia quốc tế để không chỉ đáp ứng yêu cầu về PCCC&CNCH tại Việt Nam mà còn cả các nhiệm vụ quốc tế khác khi có yêu cầu.