Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vừa phát bản tin dự báo khí hậu thời hạn tháng trên phạm vi toàn quốc (từ 11/6-10/7).

Theo đó, dự báo xu thế khí hậu tháng này cho thấy, nhiệt độ trung bình tại các khu vực trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn 0,5 độ C, có nơi cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ.

Cũng trong thời gian này, lượng mưa khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến ở mức cao hơn so với TBNN từ 10-20%; các nơi khác thấp hơn cùng thời kỳ từ 10-30%, riêng tại khu vực từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và một số nơi thuộc miền Tây Nam Bộ thấp hơn từ 30-40%.

Nửa cuối tháng 6 nắng nóng diện rộng gia tăng trở lại. Ảnh minh họa: Bảo Khánh

Các chuyên gia khí tượng cũng nhận định về diễn biến thời tiết nguy hiểm. Cụ thể, trong tháng bão/áp thấp nhiệt đới có khả năng hoạt động trên Biển Đông và ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

Về nắng nóng, khu vực Bắc Bộ chủ yếu có nắng nóng cục bộ trong những ngày tuần đầu thời kỳ dự báo, khoảng từ nửa cuối tháng 6 nắng nóng gia tăng trở lại. Trong thời kỳ, dự báo nắng nóng diện rộng tiếp tục có khả năng xảy ra tại khu vực Trung Bộ.

Trong khi đó, khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ trong tháng xuất hiện nhiều ngày mưa rào và giông; khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ mưa có xu hướng tập trung vào giữa và cuối tháng 6.

Ngoài ra, trên phạm vi cả nước tiếp tục đề phòng các hiện tượng giông, lốc, sét, mưa đá (tập trung nhiều hơn ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ).

Liên quan đến đợt nắng nóng đang diễn ra, dự báo sẽ còn kéo dài nhiều ngày ở cả Bắc và Trung Bộ với mức nhiệt trong khoảng 35-37 độ, có nơi trên 37 độ. Riêng tại Bắc Bộ, có thể nắng nóng giảm trong 1-2 ngày do có mưa giông, khoảng 13-15/6, sau đó sẽ quay trở lại. Lượng mưa trong các ngày này khoảng 20-50mm, có nơi 70mm và thời gian trong ngắn hạn nên khó có thể giải quyết tình trạng hạn ở các sông hiện nay.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, do tác động của nắng nóng, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ, đề phòng nguy cơ xảy ra cháy nổ ở khu vực dân cư, khu vực sản xuất do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, trên phạm vi toàn quốc tiếp tục xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, sét, mưa đá có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.

Nhiệt độ trung bình tháng 5 cao hơn đến 2 độ

Trong thời kỳ từ 11/5-10/6, các chuyên gia khí tượng có những phân tích đánh giá về diễn biến thời tiết . Cụ thể, đã xảy ra 4 trận giông lốc, mưa đá vào các ngày: 18/5 tại Phan Huyền, Bắc Bình (Bình Thuận); 4/6 tại Định Hóa (Thái Nguyên); 28/5 tại Bắc Hà (Lào Cai). 

Giai đoạn này cũng xảy ra 5 đợt nắng nóng diện rộng, vào các ngày 16-23/5, 27-30/5, 1-4/6 tại Bắc và Trung Bộ; 15 và 18-19/5 tại Nam Bộ. Đáng chú ý là đợt nắng nóng từ 1-4/6 đã có nhiều nơi vượt giá trị lịch sử (GTLS) so với cùng thời kỳ tại Bắc Bộ ở các địa phương Mường La, Sông Mã, Phù Yên (Sơn La), Mai Châu (Hòa Bình), Bắc Mê (Hà Giang), Bảo Lạc, Nguyên Bình (Cao Bằng), Móng Cái (Quảng Ninh), Hà Đông (Hà Nội)… Mức nhiệt độ vượt giá trị lịch sử cùng thời kỳ cao nhất tại đây là 43.3 độ C.

Cũng theo các chuyên gia, nhiệt độ trung bình tại Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 1-1,5 độ, có nơi cao hơn từ 1,5-2 độ. Các khu vực còn lại phổ biến xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ.

Ngoài ra, giai đoạn này xuất hiện 6 đợt mưa diện rộng 11-16/5, đêm 24-27/5 tại khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế; 3-6/6 tại Bắc Bộ và Trung Bộ; 8-9/6 tại Bắc Bộ.

Tại Tây Nguyên - Nam Bộ vào các ngày 11-16/5, từ 20/5 đến nay có nhiều ngày mưa trên diện rộng.

Tổng lượng mưa  trong thời kỳ từ ngày 11/5-10/6 trên phạm vi cả nước phổ biến cao hơn từ 15-40% so với TBNN cùng thời kỳ, riêng khu vực Bắc Bộ và miền Đông Nam Bộ phổ biến thấp hơn từ 20-50% so với TBNN.