NAPAS vừa tổ chức Hội nghị Ngân hàng thành viên thường niên lần thứ 4, tổng kết hoạt động kinh doanh trong năm 2018, chia sẻ kế hoạch và các dự án chiến lược sẽ được triển khai trong năm 2019 |
Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) vừa tổ chức Hội nghị Ngân hàng thành viên thường niên lần thứ 4, tổng kết hoạt động kinh doanh trong năm 2018, chia sẻ kế hoạch và các dự án chiến lược sẽ được triển khai trong năm 2019. Trong khuôn khổ sự kiện, NAPAS đã long trọng tổ chức Lễ Vinh danh và công bố giải thưởng ngân hàng thành viên xuất sắc, tiêu biểu, phát triển ấn tượng với các tiêu chí khác nhau được ghi nhận qua hệ thống NAPAS trong năm 2018.
Tham dự sự kiện quan trọng này có đại diện Cục Công nghệ tin học, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đại diện lãnh đạo Khối bán lẻ, Trung tâm thẻ, Trung tâm thanh toán, Trung tâm CNTT của 46 ngân hàng thành viên.
Năm 2018 được đánh giá là một năm hoạt động năng động của NAPAS, dưới sự chỉ đạo của NHNN và sự hợp tác hỗ trợ tích cực của các ngân hàng thương mại, NAPAS đã ưu tiên nguồn lực triển khai các dự án hoàn thiện hạ tầng thanh toán quốc gia như: dự án xây dựng Bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa (VCCS), dự án xây dựng hoàn thiện hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia ACH, phát triển các dịch vụ thanh toán điện tử đa tiện ích, tạo thêm nhiều sự tiện lợi và tăng cường an ninh bảo mật cho các giao dịch điện tử của khách hàng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 5/10 đã ban hành Quyết định số 1927/QĐ-NHNN công bố Bộ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa. Có thể nói lần đầu tiên ngành ngân hàng có một bộ tiêu chuẩn chung thống nhất về sản phẩm thẻ thanh toán, giúp các ngân hàng và các hãng sản xuất thẻ và thiết bị chấp nhận thẻ dễ đang triển khai, giúp cho khách hàng có trải nghiệm thanh toán đồng nhất trên hạ tầng thanh toán của toàn bộ các ngân hàng. Hiện tại NAPAS đang phối hợp với 6 ngân hàng triển khai thí điểm ứng dụng Bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa và dự kiến chính thức công bố phát hành ra thị trường những chiếc thẻ chip nội địa đầu tiên vào quý I/2019.
Trong nhiệm vụ quan trọng được NHNN giao về xây dựng hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia ACH, NAPAS cùng với các ngân hàng đã đạt được những bước tiến dài trong việc triển khai hệ thống thanh toán bù trừ tự động ACH sau nhiều vòng trao đổi, thảo luận, tiếp thu ý kiến của các ngân hàng, để hoàn thành dự thảo bộ quy định nguyên tắc vận hành và nghiệp vụ của hệ thống ACH. Hệ thống ACH là một trong các cấu phần quan trọng của hệ thống thanh toán quốc gia, được NAPAS phát triển trên nền tảng hạ tầng chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử. Khi chính thức vận hành, hệ thống ACH sẽ triển khai đa dạng các dịch vụ thanh toán, hỗ trợ khách hàng của ngân hàng thực hiện chuyển tiền, nhận tiền qua nhiều lựa chọn thông tin định danh khác ngoài số thẻ/số tài khoản một cách nhanh chóng và thuận tiện.
Dựa trên Quyết định số 1928/QĐ-NHNN quy định về tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phí đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam” do NHNN ban hành trong ngày 5/10, NAPAS đã xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình nghiệp vụ cho hệ thống chuyển mạch các giao dịch thanh toán bằng QRCode (QR Switch). Đây là một điểm nhấn để đáp ứng nhu cầu của thị trường, cho phép các ứng dụng thanh toán QR của các ngân hàng và trung gian thanh toán có thể thanh toán rộng khắp trên tất cả các điểm chấp nhận thanh toán, góp phần đẩy nhanh tốc độ triển khai cũng như mức độ bao phủ của phương thức thanh toán di động tại Việt Nam. Do đó, đòi hỏi các tổ chức tham gia nhất thiết cần tuân theo một tiêu chuẩn kỹ thuật chung, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng, dữ liệu thanh toán qua QR Code trong toàn mạng lưới CNTT. Hiện dịch vụ đang nhận được sự phối hợp tích cực của ngân hàng Sacombank, TPBank cùng với NAPAS và một số đơn vị trung gian thanh toán để triển khai thí điểm và sẽ bắt đầu hoạt động chính thức vào đầu năm 2019.
Cùng với việc hoàn thiện hệ thống quy trình nghiệp vụ, triển khai bộ phận giám sát hỗ trợ dịch vụ 24/7, đầu tháng 10/2018, NAPAS đã được trao chứng chỉ bảo mật quốc tế PCIDSS 3.2.1 (Payment Card Industry Datea Security Standard) – đây là phiên bản mới nhất với nhiều điều kiện nghiêm ngặt và chặt chẽ hơn so với phiên bản cũ, đặc biệt bổ sung chi tiết các yêu cầu về xác thực đa nhân tố, chuẩn an toàn trong mã hóa dữ liệu và yêu cầu chính sách duy trì tuân thủ được xuyên suốt và rà soát định kỳ. Việc đạt được chứng chỉ PCIDSS 3.2.1 khẳng định việc đáp ứng của hệ thống NAPAS với các yêu cầu về an ninh bảo mật các dữ liệu thẻ trong quá trình xử lý, lưu trữ theo tiêu chuẩn quốc tế; đảm bảo an toàn, bảo mật của hạ tầng thành toán quốc gia.
Trên cơ sở các kế hoạch của NAPAS, các ngân hàng thành viên cũng chia sẻ cam kết hợp tác, sẵn sàng tham gia triển khai thí điểm các dự án và nhất trí ủng hộ kế hoạch hoạt động nhiều thách thức của NAPAS trong năm 2019.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới vào tháng 7/2018, Việt Nam có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực chỉ đạt 4,9%, trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc là 26,1%, còn Thái Lan là 59,7%. Mặc dù không thể phủ nhận thanh toán toán tiền mặt vẫn chiếm tỷ trọng lớn tại Việt Nam nhưng từng bước và đặc biệt trong năm vừa qua, NAPAS và các ngân hàng đã cùng nhau đạt được con số tăng trưởng ấn tượng về lượng giao dịch điện tử xử lý qua hệ thống NAPAS - hơn 1,3 triệu giao dịch/ ngày, tăng 1.75 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị giao dịch thực hiện qua hệ thống NAPAS trong năm 2018 đạt 1.750 triệu tỉ đồng, tăng trưởng 164% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy, thói quen của người tiêu dùng trong thanh toán đang dần thay đổi theo hướng tích cực.
Hội nghị Ngân hàng thành viên NAPAS là sự kiện thường niên nhằm tri ân sự hỗ trợ tích cực, sự hợp tác hiệu quả của tất cả các ngân hàng đồng hành đã đóng góp vào thành công chung của toàn hệ thống. Tại sự kiện, NAPAS đặc biệt vinh danh các ngân hàng đạt các danh hiệu: Ngân hàng xuất sắc nhất, Ngân hàng tiêu biểu, Ngân hàng dẫn đầu trong việc triển khai các dịch vụ chủ chốt của NAPAS, Ngân hàng có mạng lưới chấp nhận thẻ tốt nhất và Ngân hàng có tập khách hàng năng động nhất của năm 2018.