Kết thúc một tuần học tập vất vả, với kết quả tốt, cậu con trai nhỏ xin mẹ một phần thưởng là được ăn món gà. Tất nhiên người mẹ hạnh phúc không có lý do gì để từ chối. Cậu con trai háo hức bên xuất gà rán, hít hà khen thơm, ngon, mời mẹ cùng thưởng thức rồi vừa ăn vừa tíu tít kể chuyện trường lớp.

Trong tiết trời thu dịu, bên niềm vui thơ ngây của con trẻ, tôi thấy lòng nhẹ nhàng thư thái… Tôi chợt nhớ về cái háo hức của tuổi thơ mình, háo hức nhiều thứ, khát khao nhiều thứ, cái thuở cuộc sống còn khó khăn, thiếu thốn nhiều bề. Cái thuở mà niềm vui nỗi buồn đều rất đỗi trong trẻo, nỗi lo hay áp lực của chúng tôi cũng thật hồn hậu.

Trong kí ức của tôi, tuổi thơ của thế hệ 8X lúc bấy giờ dường như không có nỗi buồn. Hàng ngày chúng tôi đi học một buổi, buổi còn lại chủ yếu tham gia vào các việc trong nhà như giúp bố mẹ việc nhà hoặc chăn bò, hái rau, cắt cỏ, lang thang cả buổi trên đồng quê. Tối tối mấy anh em tôi lại quây quần bên ngọn đèn dầu học bài.

Tôi không nhớ rõ năm đó mình mấy tuổi, chỉ nhớ khoảng thời gian học tiểu học. Một bữa cơm có thịt gà và lỗi lầm tuổi thơ tôi không bao giờ có thể quên.

Tôi cũng như các bạn cùng trang lứa đều được trải qua cái cảm giác háo hức chờ đợi những bữa cơm ngon, bữa cơm có thịt. Thời ấy cuộc sống còn khó khăn, các gia đình ở nông thôn thì càng thấm thía hơn. Bố mẹ tôi ngoài công việc chính là dạy học thì cũng làm nông nghiệp, cấy hái, chăn nuôi, ruộng vườn, tảo tần sớm hôm. Chăn nuôi chủ yếu là để bán lấy tiền trang trải cuộc sống.

Tôi nhớ nhà tôi có nuôi gà vịt nhưng chẳng mấy khi anh em tôi được ăn trứng, ăn thịt. Có chăng là những lần trứng gà ấp hỏng hay không may phải đợt gà bị rù, bị bệnh, bố mẹ phải thịt luôn rồi rang thật kĩ lên để ăn dần.

Mỗi bữa cơm có thịt, chúng tôi háo hức, vui vẻ và ăn uống ngon lành. Còn nhớ mỗi lần mẹ mang trứng ra soi, trẻ con vô tư nào biết gì nên chỉ mong có quả hỏng để được ăn. 

Ảnh minh họa: Bạc Liêu online

Kỷ niệm một bữa cơm có thịt gà và lỗi lầm tuổi thơ đến giờ vẫn in đậm trong kí ức, mỗi lần nhớ lại tôi vừa thấy ngọt ngào vừa thấy ăn năn. Hôm đó chiều muộn, mẹ tôi thịt một con gà.

Tôi nhớ được mẹ sai chuẩn bị xoong nồi để mẹ làm gà. Khi sắp đồ cho mẹ xong, tôi hăm hở chạy sang nhà ông Bổng - anh trai của ông nội tôi, tôi mời ông rất dõng dạc. Tôi còn sợ ông Bổng nghe không rõ, ghé vào tận tai ông mời: “Hôm nay bố mẹ cháu thịt con gà, bố mẹ cháu cho cháu sang mời ông, tối ông sang nhà cháu ăn cơm!”.

Rồi tôi hí hửng chạy về nhà, tiếp tục giúp mẹ lo cơm nước. Trong suy nghĩ trẻ thơ của tôi, có thịt gà là nhà có cỗ mà ăn cỗ thì chắc chắn phải mời khách. Và sự thật thường khi nhà có khách bố mẹ mới làm cơm thịnh soạn như thế, nên tôi chắc lần này thịt gà là bố mẹ mời ông sang ăn cơm.

Tôi giữ gà cho mẹ làm thịt và lòng cứ thấp thỏm chờ đợi mẹ sẽ sai mình đi mời ông như mọi khi, còn nghĩ thầm mẹ mà giục đi, mình sẽ khoe con mời trước rồi để mẹ khen. Đợi mãi, đợi mãi, mẹ thịt gà gần xong vẫn không nói gì, tôi sốt ruột quá, buột miệng hỏi mẹ: “Nhà mình có mời ông Bổng sang ăn cơm không mẹ?”.

Mẹ bảo: “Không con ạ, có con gà còi nuôi mãi nó chẳng lớn được, tốn thóc gạo nên mẹ thịt cho các con ăn”. Lúc này trong tôi dâng đầy lo lắng, tôi trót mời ông mất rồi, làm thế nào bây giờ, báo lại ông thì không dám, bảo với mẹ cũng không dám…

Đã mấy lần tôi lấy hết can đảm định nói với mẹ là tôi đã mời ông Bổng mà không hiểu sao tôi không thể nào nói được, tôi vẫn nhớ cái cảm giác không sao thốt được nên lời khi ấy… Tôi băn khoăn suốt cả bữa ăn, vẫn không dám nói thật với bố mẹ, cũng không dám sang báo lại ông.

Bữa cơm có thịt gà rang, chúng tôi ăn ngon lành, tôi ăn vèo hai bát cơm dù trong lòng vẫn còn lo lắng. Và kết cục là tối đó ông không ăn cơm cùng nhà bác tôi, vì ông nghĩ sẽ sang nhà tôi ăn cơm.

Tôi biết điều đó vì sáng hôm sau, khi tôi vừa ló mặt sang nhà ông chơi như mọi bận, anh nhà bác xông ra bảo tôi, sao mày dám lừa ông để tối qua ông không ăn cơm. Tôi chỉ cười bẽn lẽn, xấu hổ, còn ông hiền từ xoa đầu tôi. Tôi lại vô tư, hồn nhiên chơi với ông, với các anh chị đến trưa, đến chiều.

Ngày nào tôi cũng sang chơi bên nhà bác cùng các anh chị. Và câu chuyện cũng khép lại cùng tuổi thơ, cùng bao điều giúp tôi lớn lên. Cho đến bây giờ, ông đã đi xa, rất xa, chắc rồi câu chuyện bữa cơm mời hụt ông cũng đã quên, ông đã tha thứ cho đứa cháu ngây ngô… mà tôi thì chẳng thể nào quên.

Các bạn nhỏ bây giờ sẽ không có những sai lầm giống thế hệ chúng tôi, niềm vui nỗi buồn cũng khác. Các con được sống trong đủ đầy, không phải trải qua cảm giác thiếu thốn, thèm một bữa ăn ngon như thời chúng tôi nữa. Tôi mang câu chuyện tuổi thơ và nỗi ăn năn kể cho các con nghe, như một sự sẻ chia những hồi ức đẹp và cũng muốn con biết trân trọng những gì con có hôm nay. Tuổi thơ với những kỷ niệm vẫn là thứ cần trân trọng. Nó sẽ nâng đỡ ta trên suốt hành trình dài rộng của cuộc đời.

Đi qua những năm tháng, mỗi người mang theo bên mình vô vàn kí ức, và thời thơ ấu thân thương ngọt ngào không bao giờ trở lại được nữa. Nếu được một lần sống lại tuổi thơ, tôi vẫn xin sống một thời hồn nhiên như thế, thơ dại trong ngần và tôi tin mình vẫn được tha thứ.

Đi qua những năm tháng, mỗi người đều mang theo mình vô vàn ký ức. Ký ức đó có thể là tình yêu quê hương cháy bỏng, một mảng mơ hồ, mộng mị của tình yêu đôi lứa, hoặc khoảng lặng nhớ về một người, một thời gian khó... Tất cả ký ức vui buồn ấy sẽ sống lại qua tuyến bài Hồi ức thế hệ 5X - 8X.

VietNamNet mời độc giả thế hệ từ 5X đến 8X gửi chia sẻ về ký ức của mình đến email: bandoisong@vietnamnet.vn. Những bài có nội dung hấp dẫn, cảm động sẽ được đăng tải trên VietNamNet.

Trân trọng cảm ơn!

Bát bún 700 đồng không thịt

Bát bún 700 đồng không thịt

Em gái ăn mãi mà không thấy tôi có bún ăn nên giục "anh không mua, tí nữa hết bún anh lấy gì mà ăn". Tôi gật gù và bảo, "em ăn đi, tí anh sẽ ăn".