LTS: Tròn 10 năm Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với đất mẹ, triệu triệu trái tim người Việt và bạn bè quốc tế vẫn không ngơi tưởng nhớ Người. Trên báo chí và mạng xã hội, những dòng cảm xúc nghẹn ngào, những ký ức sâu đậm về vị Tổng Tư lệnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn tiếp nối, như dòng chảy vô tận.

Báo VietNamNet trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết của nhà báo Uông Ngọc Dậu về kỷ niệm Đại tướng đến thăm trường Đại học Tây Nguyên. Cuộc gặp đã trôi qua hơn 40 năm nhưng những lời căn dặn của Đại tướng với các giảng viên, sinh viên của trường vẫn vẹn nguyên tính thời sự, có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc.

Trong lịch trình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành hẳn nửa ngày đến trường Đại học Tây Nguyên. 

Trường hồi ấy có 4 khoa: Y khoa, Sư phạm, Nông nghiệp và Lâm nghiệp, gọi tắt là Y - Sư - Nông - Lâm. Hiệu trưởng là bác sỹ Y T’Lam Kbour. Ông là bác sỹ quân y, mang hàm đại tá.

Là người Ê đê, nhưng khi tham gia cách mạng, ông còn có tên Nguyễn Sỹ Lâm. Thời gian sau đó, ông được phong Giáo sư trong đợt phong học hàm đầu tiên.

Hôm đó, ngày 29 tháng 1 năm 1980.

Phòng họp hiệu bộ nhỏ gọn, khoảng hơn 30 cán bộ chủ chốt của trường chờ đón Đại tướng cùng phu nhân, bà Đặng Bích Hà. Cuộc gặp và nói chuyện diễn ra trong vòng hơn 2 tiếng đồng hồ. 

Đại tướng am tường về Tây Nguyên, nhiều lĩnh vực, chứ không chỉ quốc phòng, an ninh. Ông nói: “Công tác xây dựng Tây Nguyên là sự nghiệp cực kỳ to lớn. Hiện tại có khoảng 1,5 triệu người, với nhiều dân tộc anh em, tới đây sẽ tăng thêm mấy triệu nữa. Tôi không phải nói về sự giàu có của Tây Nguyên. Có mấy điều căn dặn giáo viên và học sinh…”.

võ nguyên giáp.jpg
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm cánh đồng lúa Ea Kuăng, huyện Krông Pak, tỉnh Đắk Lắk tháng 3/1978. Ảnh tư liệu

Những điều ông căn dặn, ngày ấy, có người nghĩ nó bình thường, thậm chí tầm thường…

Phải trồng rừng

Tại sao trồng rừng là vấn đề cấp bách, ngay từ bây giờ?

Ông lý giải, rất vắn. Vắn là chữ ông dùng. Tây Nguyên thuộc xứ nhiệt đới, địa hình có độ dốc lớn. Đường 14 là nóc nhà của Tổ quốc. Hầu hết các con sông ở Tây Nguyên đều chảy về phía tây. Nếu ta phá rừng, đất sẽ nhanh chóng thoái hóa, đất màu sẽ trôi tuột về sông Mekong. Mỗi năm, 1ha có thể bị rửa trôi từ 120 - 150m3 đất màu.

Ông cảnh báo: Nạn phá rừng là cực kỳ nguy hiểm. Chính nó gây nên sự xáo trộn quy luật mùa khô, mùa mưa ở Tây Nguyên. Mất rừng, sinh ra lũ. Chu kỳ mùa mưa ngắn hơn, mùa khô kéo dài, dẫn đến thiếu nước.

Trồng rừng như thế nào?

Đại tướng tâm đắc mô hình nông - lâm kết hợp, tạo nên thảm thực vật nhiều tầng nhiều lớp, cây dài ngày kết hợp cây ngắn ngày. Ông lưu ý giáo viên và sinh viên khoa Lâm nghiệp về tầm quan trọng của rừng Tây Nguyên, và chỉ thị thầy trò đi sâu nghiên cứu về đặc điểm rừng, về cây dược liệu dưới tán rừng.

Ông gợi ý thầy trò nên nhận một quãng đường để trồng rừng theo hướng nông - lâm kết hợp. Ông nhiều lần nhắc phải trồng rừng dọc con đường 14. Trồng bằng thứ cây thân cao có tán…  

Sao lại là quốc lộ 14?

Có phải từ tầm nhìn của một nhà quân sự mà ông chú ý đặc biệt đến quốc lộ 14, con đường huyết mạch từ Bắc Tây Nguyên đến Nam Tây Nguyên, xuôi về miền Đông Nam bộ, được ví như “cái đòn nóc” mái nhà Tây Nguyên? Cũng có thể đấy là tầm nhìn của một nhà khoa học về cuộc sống xanh tương lai chăng? 

Và cái ăn, bữa ăn

Thời đó “lụt Bắc lụt Nam, máu tràn biên giới”, thiên tai, địch họa đẩy đất nước vào thế họa vô đơn chí, vừa oằn lưng chống giặc, vừa lo chạy lũ, lại lo cái ăn khi đất nước lâm vào thiếu đói.

Tây Nguyên không đói nhưng bữa ăn còn kham khổ, đạm bạc. Cánh cán bộ, giáo viên Đại học Tây Nguyên hầu hết mới ra trường, sống độc thân, lương 64 đồng, dồn hầu hết cho chuyện ăn mà thiếu trước hụt sau, bữa ăn vẫn chưa ra bữa ăn.

Phải vì thế mà Đại tướng nói rất kỹ về cái ăn, cơ cấu bữa ăn của người Tây Nguyên?

Ông dẫn Lenin. “Lenin nói: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có lương thực”. Lần đầu tiên, qua Đại tướng tôi biết lãnh tụ Lenin nâng tầm nhìn về vai trò của cái ăn, cái mà ông cha ta từng đề cao: Dĩ thực vi tiên, dĩ thực vi thiên! 

Bữa ăn là quan trọng. Giải quyết vấn đề ăn như thế nào?

Đại tướng nói: Phải ăn no. Ăn có dinh dưỡng hợp khoa học và điều kiện thiên nhiên.

Giờ mình còn thiếu đói. Thiếu chất bột và thiếu chất đạm.

Chất bột từ gạo và màu. Phải chế biến sâu, giảm dần chất bột. Phải tăng chất đạm từ nguồn thực vật và động vật.

Thực vật là lạc, đậu nành và các loại đậu. Thịt, thì chú trọng động vật ăn cỏ, vì chúng không tranh ăn với người. Sau này việc sản xuất ra thịt dễ hơn sản xuất chất bột. Chỉ cần giải quyết 3 vấn đề: giống - thức ăn và thú y.

Cây thu đủ

Rồi ông nói về hoa quả, thứ mà Tây Nguyên vô cùng phong phú. Thứ hoa quả như bơ, chuối cung cấp khoáng chất và vitamin. Ông nhắc phải đưa thu đủ vào rau. Ông giữ cách nói của người miền Trung: thu đủ, chứ không đu đủ. 

Ông kể chuyện, trong chuyến đi Cuba, ông là khách quý nên bữa sáng có 1 ly sữa, một quả trứng và 1 quả chuối hoặc 1 miếng thu đủ. Ông nói, phải trồng nhiều thu đủ. 

Hồi đó, cứ thắc mắc, sao ông nhắc nhiều đến cây thu đủ đến thế? 

Sau này mới vỡ nhẽ. Suốt thời hoạt động cách mạng, Đại tướng gắn bó với không gian núi rừng Tây Bắc, Việt Bắc, nơi mà cây đu đủ được trồng quanh năm, trong vườn nhà, trên nương đồi.

Đu đủ không chỉ là thứ rau quả như mọi thứ rau quả nhiệt đới khác, mà nó là thứ rau xanh đặc biệt, với nhiều dược tính quý. Từ thân, quả, hoa, lá…đều được người dân sử dụng trong bữa ăn hàng ngày, trong phòng và chữa nhiều thứ bệnh. Nó cũng là thứ rau chống đói khi giáp hạt, mùa màng thất bát.  

Rồi ông nhắc: Trường Đại học Tây Nguyên phải đi đầu nghiên cứu bữa ăn của người Tây Nguyên. Trường phải có kế hoạch tăng gia. Phải từng bước cải tiến cơ cấu bữa ăn. Phải trồng thu đủ.

Cây “cổ thụ bánh mỳ”

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tỏ ra ngạc nhiên khi vào Tây Nguyên thấy những vườn mít quả rụng đầy gốc, chỉ để heo ăn. Ông nói: Có nơi người ta gọi cây mít là cây cổ thụ bánh mỳ. Hạt mít là thứ lương thực cao cấp.

Thời chiến tranh, ở chiến khu, cán bộ, bộ đội đã biết tận thu hạt mít làm lương thực dự trữ. Ông chỉ thị trường chọn một số cán bộ nghiên cứu về cây mít, đưa cây mít vào cơ cấu cây trồng. Trồng đại trà, theo mô hình nông - lâm kết hợp…

Cuối buổi nói chuyện, ông nhắc:  Phải làm cho trường Đại học Tây Nguyên này giỏi về Tây Nguyên. Cán bộ, học sinh phải hiểu sâu sắc về Tây Nguyên. Mỗi học sinh tốt nghiệp, trong luận án phải trình bày đề tài khoa học về hai vấn đề: Cơ cấu bữa ăn ở Tây Nguyên và mô hình nông - lâm kết hợp. 

Chỉ thị đấy nhé!

Và ông cười, cái cười sảng khoái…

Đi qua những năm tháng, mỗi người đều mang theo mình vô vàn ký ức. Ký ức đó có thể là tình yêu quê hương cháy bỏng, một mảng mơ hồ, mộng mị của tình yêu đôi lứa, hoặc khoảng lặng nhớ về một người, một thời gian khó... Tất cả ký ức vui buồn ấy sẽ sống lại qua tuyến bài Hồi ức thế hệ 5X - 8X.

VietNamNet mời độc giả thế hệ từ 5X đến 8X gửi chia sẻ về ký ức của mình đến email: bandoisong@vietnamnet.vn. Những bài có nội dung hấp dẫn, cảm động sẽ được đăng tải trên VietNamNet.

Trân trọng cảm ơn!

Chuyện ít biết về gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Chuyện ít biết về gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tư lệnh, Bí thư Quân ủy TƯ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và được coi là một trong những danh tướng hàng đầu thế giới nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn là người rất dung dị, đời thường.