Tại chương trình chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 6/2020, nông nghiệp đã được xác định là 1 trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trước. Theo đó, sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu. 

Đồng thời, tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản; xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp; thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia cũng đã nhấn mạnh rõ quan điểm phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả.

Hình thành Cơ sở dữ liệu quản lý cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, quản lý cơ sở chăn nuôi là 1 nhiệm vụ trọng tâm của Bộ NN&PTNT trong năm nay (Ảnh minh họa)

Trong kế hoạch hành động năm 2022 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Ủy ban đã giao Ban chỉ đạo chuyển đổi số Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xây dựng, phê duyệt theo thẩm quyền kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia gồm: Nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản.

Cùng với đó, Bộ này cũng được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và địa phương hình thành Cơ sở dữ liệu quản lý cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, quản lý cơ sở chăn nuôi; cấp, quản lý mã số vùng trồng, tạo nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp và cho người dân.

Mới đây, trong kết luận phiên họp thứ 2 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban đã tiếp tục chỉ đạo Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và địa phương triển khai hình thành cơ sở dữ liệu quản lý cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, quản lý cơ sở chăn nuôi phục vụ người dân.

Trong văn bản mới gửi Bộ TT&TT đề nghị phối hợp đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Đến nay, Bộ đã cơ bản hình thành nền tảng quản lý cơ sở chăn nuôi và cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, dự kiến công bố và đưa vào sử dụng từ ngày 10/6/2022.

Vân Anh