Do đó, quyết định lựa chọn năng lượng của các quốc gia khu vực trong hiện tại và tương lai đóng vai trò quyết định tới khả năng hoàn thành mục tiêu phát triển đã được cả khối ASEAN đề ra.

Minh bạch thông tin, tận dụng kho dữ liệu

Mặc dù là điểm nóng chuyển đổi năng lượng, Đông Nam Á vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức mang tính cố hữu, chẳng hạn như thông tin manh mún, thiếu hệ thống chung chia sẻ kiến thức, công nghệ, cũng như kết nối và mở rộng cơ hội hợp tác giữa các đối tác quan tâm tới lĩnh vực này.

SIPET, nền tảng số chia sẻ thông tin trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, được phát triển bởi CASE (chương trình Năng lượng sạch, Giá cả phải chăng và An toàn cho Đông Nam Á) nhằm tạo ra một cổng thông tin và kho dữ liệu cho phép các chuyên gia cùng đối tác quan tâm dễ dàng truy cập tin tức, các dự án, xu hướng công nghệ có liên quan của lĩnh vực.

(Ảnh: SEI)

“Sự minh bạch về thông tin, các công cụ đo lường chi tiết, tin tức cập nhật kịp thời sẽ tạo điều kiện cho ngành điện hướng tới quá trình chuyển đổi năng lượng sát với thực tế, hỗ trợ mạnh mẽ cho chiến lược phát triển của khu vực và tạo ra tương lai có năng lượng sạch với mức giá phải chăng và an toàn cho Đông Nam Á”, Simon Rolland, Giám đốc dự án năng lượng GIZ tại Thái Lan cho biết.

Thông qua việc cập nhật dữ liệu theo thời gian, các công cụ trên nền tảng số cho phép theo dõi tiến trình chuyển đổi năng lượng cũng như những thách thức, rào cản trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng ở mỗi quốc gia. Từ đó, các nhà đầu tư có thể xác định những khía cạnh cần cải thiện hoặc phân bổ nguồn lực trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Nguồn dữ liệu đa dạng cũng góp phần cho thấy bức tranh toàn cảnh về chuyển dịch năng lượng của khu vực và thế giới. Chẳng hạn, trước mắt các công cụ theo dõi có thể giúp người dùng dễ dàng truy cập dữ liệu về khí đốt, than đá, khai thác dầu mỏ của cả khu vực châu Á và sắp tới là dữ liệu hệ thống các nhà máy năng lượng mặt trời và năng lượng gió toàn cầu.

“Sân chơi chung” mở rộng cơ hội kết nối, đầu tư

Việc số hoá và tập hợp chung những cập nhật, xu hướng tiến bộ trong lĩnh vực năng lượng giúp người dùng nhanh chóng nắm bắt thông tin, các đối tác dễ dàng nhận biết và tìm kiếm cơ hội hợp tác cùng các nhà tài trợ.

Trao đổi với VietNamNet về cơ hội thúc đẩy hợp tác công nghệ năng lượng thông qua nền tảng số, ông Simon Rolland cho hay các dự án năng lượng mặt trời hay điện gió thường đem tới những thách thức về kỹ thuật và công nghệ, do đó ý tưởng của SIPET được xây dựng trên 3 trụ cột chia sẻ về kiến thức, dữ liệu và kết quả triển khai thực tế, nhằm tạo ra một “sân chơi” minh bạch, tích hợp đầy đủ các công cụ để hỗ trợ các chuyên gia, những người quan tâm tới lĩnh vực này kết nối, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, từ đó đem tới nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa để thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng tại Đông Nam Á.

Cũng theo lãnh đạo GIZ, các cổng kiến thức và Diễn đàn cộng đồng tích hợp trên nền tảng trở thành cầu nối tri thức và dữ liệu, từ đó mở ra thêm cơ hội đối thoại và hợp tác trên lĩnh vực “đang nóng”. Chẳng hạn, các công cụ tích hợp dữ liệu kết nối chung giúp các chuyên gia và nhà đầu tư có tiếng nói quyết định dễ dàng nắm bắt các thông tin, từ kết quả nghiên cứu, ấn phẩm mới nhất cho đến các kết quả quan trọng của lĩnh vực chuyển đổi năng lượng trong khu vực.

Thế Vinh