Các quan chức tình báo Mỹ được cho là đang che giấu thông tin về một kế hoạch của Nga nhằm dẫn độ "kẻ đào tẩu" lừng danh Edward Snowden về Mỹ để xét xử.

{keywords}

Cựu nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden đã tị nạn ở Nga kể từ năm 2013, sau khi tiết lộ các thông tin động trời về chương trình nghe lén quy mô của chính phủ Mỹ trên toàn thế giới. Ảnh: TNW)

Theo một quan chức tình báo cấp cao Mỹ, kế hoạch nói trên là một "món quà" của chính quyền Moscow nhằm kết thân với tân lãnh đạo Nhà Trắng Donald Trump. Bản thân ông Trump từng gọi Edward Snowden là "điệp viên" và "kẻ phản quốc" đáng bị đưa ra xét xử.

Snowden là cựu nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), người đã tiết lộ chương trình nghe lén quy mô của chính phủ Mỹ trên toàn thế giới. Những tiết lộ của anh đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận nóng bỏng ở phương Tây về việc chính phủ xâm nhập đời tư của công dân như thế nào mà không vượt quá thẩm quyền.

Mỹ muốn truy tố Snowden vì tội gián điệp, trong khi những người ủng hộ lại ca ngợi anh vì dám phơi bày những vi phạm riêng tư của NSA và các cơ quan khác của Mỹ.

Snowden bị kẹt ở sân bay Sheremetyevo, Moscow vào tháng 6/2013, sau khi bị chính phủ Mỹ thu hồi hộ chiếu trong lúc vẫn đang ở trên máy bay, khiến anh không thể rời Nga một cách hợp pháp. Tháng 8/2013, Snowden được Nga đồng ý cho tị nạn chính trị một năm, sau đó gia hạn thêm ba năm.

Hãng thông tấn NBC đưa tin, một nguồn tin thứ hai đã xác nhận thông tin về kế hoạch dẫn độ Snowden về Mỹ của Nga. Đối với "kẻ đào tẩu", việc dẫn độ sẽ đồng nghĩa anh sẽ chắc chắn bị truy tố vì các cáo buộc phạm tội theo Đạo luật gián điệp. Nếu bị kết tội, Snowden có thể lĩnh án ít nhất 30 năm tù giam. Một số tội danh của anh thậm chí có khung hình phạt tối đa là tử hình.

Ben Wizner, luật sư của Snowden, tuyên bố với NBC rằng ông không hề hay biết gì về bất kỳ kế hoạch nào như trên. "Phía Snowden không nhận được bất kỳ tín hiệu báo nào như vậy và không có thêm lí do mới nào để lo lắng", luật sư Wizner nói.

Trong khi đó, Snowden nhấn mạnh, kế hoạch dẫn độ nói trên, nếu có, là "bằng chứng không thể bác bỏ" về việc anh chưa bao giờ hợp tác với tình báo Nga.

Hiện vẫn chưa rõ kế hoạch trên đã tiến đến giai đoạn nào hay liệu Nga có nhất quyết thực hiện nó hay không. Cựu phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Juan Zarate đã lên tiếng cảnh báo chính phủ của ông Trump về việc nhận "quà" từ Tổng thống Nga Vladimir Putin.

"Đối với Nga, đây sẽ là điều đôi bên cùng có lợi. Họ đã bòn rút những gì mình cần từ Snowden, xét về mặt thông tin và họ chắc chắn đã lợi dụng anh ta để đánh bại Mỹ xét về hoạt động theo dõi và an ninh mạng. Nó sẽ báo hiệu các mối quan hệ ấm áp hơn cũng như mong muốn về sự hợp tác lớn hơn với chính quyền mới (của Mỹ), nhưng nó chắc chắn cũng làm dấy lên những tranh cãi và các tiền lệ ở Mỹ xung quanh vai trò về hoạt động theo dõi, vai trò của cộng đồng tình báo Mỹ và tương lai của đời tư cũng như các quyền tự do nhân quyền trong bối cảnh Mỹ. Tất cả những điều đó có lẽ sẽ khiến ông Putin vô cùng hài lòng", ông Zarate nhận định.

Tuy nhiên, phát ngôn viên của Nga Dmitry Peskov đã thẳng thừng bác bỏ các thông tin trên.

Tuấn Anh (theo The Next Web, CNET)