Theo Pravda, trong ngày 15/10, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã sử dụng vũ khí tầm xa để phá hủy một kho vũ khí tại thành phố Brody, vùng Lviv. Kho dự trữ này được cho là có rất nhiều vũ khí, thiết bị quân sự và đạn dược do phương Tây cung cấp.

Nga phá hủy kho vũ khí khủng tại Lviv. Ảnh: pravda

Cũng theo báo cáo cùng ngày, lực lượng vũ trang Nga đã thành công tấn công các mục tiêu quân sự và năng lượng ở vùng Kharkiv. Ngoài ra, binh đoàn tên lửa ở Mykolaiv cũng tập kích thành công lữ đoàn bộ binh cơ giới số 59 của Ukraine, tiêu diệt 170 binh sĩ và lính nước ngoài.

Kiev tiếp tục bị tập kích tên lửa

Theo Guardian, trong ngày 15/10, Thống đốc vùng Kiev Oleksiy Kuleba cho biết, các cuộc tập kích bằng tên lửa nhắm vào các khu vực xung quanh thủ đô của Ukraine vẫn đang xảy ra.

Kiev tiếp tục bị tập kích bằng tên lửa. Ảnh: AP

"Các cuộc tấn công tên lửa vẫn đang xảy ra tại Kiev, hệ thống phòng không đã được kích hoạt. Lực lượng cứu hộ vẫn đang khẩn trương làm nhiệm vụ, báo cáo sơ bộ không cho thấy thiệt hại về người", ông Kuleba nói.

Ngoài Kiev, cảnh báo không kích đã được đưa ra ở các khu vực Novaya Kakhovka, Volyn, Rovno, Ternopol, Odessa, Nikolaev, Poltava và Sumy. Trong vài ngày qua, Ukraine đã hứng chịu nhiều đợt không kích quy mô lớn của quân đội Nga, chủ yếu nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng và mục tiêu quân sự.

Mỹ tìm cách duy trì internet cho Ukraine

Theo Reuters, trong ngày 14/10 (giờ địa phương), Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre thông báo, Mỹ đang tìm phương án để duy trì hệ thống internet vệ tinh Starlink cho Ukraine. Động thái này được đưa ra sau khi tỷ phú Elon Musk không còn sẵn sàng cung cấp dịch vụ miễn phí.

Tỷ phú Elon Musk không còn muốn cung cấp internet miễn phí cho Ukraine. Ảnh: AP

“Chúng tôi hiểu tầm quan trọng của việc này để đảm bảo thông tin liên lạc ổn định cho các lực lượng của Ukraine. Lầu Năm Góc đã liên lạc với SpaceX về Starlink, cùng với đó là thảo luận với các đồng minh và đối tác, nhằm xem xét tất cả các lựa chọn để hỗ trợ những nhu cầu của Ukraine", bà Jean-Pierre nói.

Nga sửa đổi cường kích Su-25 để mang vũ khí hạt nhân

Theo Guardian, trong ngày 15/10, Bộ Quốc phòng Nga đã xác nhận kế hoạch sửa đổi các cường kích Su-25 của Belarus, nhằm giúp các máy bay này có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.

Cường kích Su-25. Ảnh: RIA

Nguồn tin từ Belarus tiết lộ, Moscow đã chuyển 2 hệ thống tên lửa hành trình Iskander-M tới Belarus, và nâng cấp cho các máy bay Su-25 của nước này khả năng sử dụng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.

Nga cảnh báo rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc

Theo TASS, trong một bài phỏng vấn ngày 14/10, Phó Đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên hợp quốc (LHQ), Dmitry Polyansky cho biết, thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc tại Biển Đen khó có thể được gia hạn.

"Tổng thư ký và các quan chức LHQ đang nỗ lực thuyết phục Moscow rằng thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen không đi chệch hướng. Tuy vậy, chưa có nhiều thay đổi với các điều khoản từ phía Nga theo đúng thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc và phân bón, có khả năng chúng tôi sẽ rút khỏi thỏa thuận", ông Polyansky nói.

Việt Dũng