Hồi đầu năm, Ngân hàng thế giới (WB) từng dự báo châu Âu và Trung Á sẽ tăng trưởng 3% vào năm 2022, tiếp sau sự phục hồi từ đại dịch. Tuy nhiên, dự báo lạc quan đó hiện đã bị thay thế bằng tiên lượng về sự sụt giảm 4,1%, gấp đôi mức suy thoái do Covid-19 gây ra cho các khu vực này vào năm 2020.

Dự báo của Ngân hàng thế giới (WB)về thay đổi GDP theo năm của Nga, Ukraine và các nước láng giềng trước và sau khi chiến sự bùng nổ tháng 2/2022. Trong đó, đường nét đứt màu xám là dự báo của WB vào tháng 1/2022 và đường nét đứt màu xanh là dự báo vào tháng 4/2022. Đồ họa: The Economist

Theo báo The Economist, hứng chịu tổn thất lớn nhất là Ukraine, với GDP có thể giảm tới 45,1% theo ước tính của WB. Sẽ mất nhiều năm để nước này hồi phục dân số và tái thiết cơ sở hạ tầng đã bị phá hủy trong chiến tranh.

GDP của Nga được dự báo sẽ giảm 11,2% trong năm nay, phần lớn là do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Đối với các quốc gia khác, xung đột quân sự Nga - Ukraine đồng nghĩa với việc rơi vào một cuộc suy thoái mới khi họ vừa bắt đầu phục hồi hậu đại dịch. WB dự báo, nền kinh tế của Belarus, nước bị phương Tây áp trừng phạt với cáo buộc là "bệ phóng" cho các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, sẽ giảm 6,5% trong năm nay. Moldova, nước đang nhập khẩu lượng lớn khí đốt từ Nga, dự kiến sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng từ 3,9% giảm xuống còn tăng trưởng 0,4%.

Các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á sẽ phải hứng chịu việc teo giảm lượng kiều hối từ Nga. Trước chiến tranh, dòng kiều hối này đóng góp tới 30% GDP ở Tajikistan, 28% ở Kyrgyzstan và 12% ở Uzbekistan. Hiện tại, khi các doanh nghiệp Nga phải sa thải công nhân, các lao động xuất khẩu hoặc di cư từ những quốc gia nói trên sẽ gửi ít tiền về nhà hơn. 

Kyrgyzstan đang phải đối mặt với mức dự báo giảm GDP lớn nhất so với bất kỳ quốc gia lân cận nào khác. Dự báo mức tăng trưởng 4,7% hồi tháng 1 hiện bị thay thế bằng mức sụt giảm kinh tế 5%.

Tuy nhiên, không phải mọi ảnh hưởng đều tiêu cực. Giá năng lượng tăng cao có thể giúp ích cho Azerbaijan, một nhà xuất khẩu nhiên liệu lớn.

Ngành khai thác dầu mỏ và khí đốt của Azerbaijan đã gần đạt công suất tối đa, nhưng họ hy vọng sẽ tăng gần gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên cung ứng cho châu Âu trong vòng 4 - 5 năm tới thông qua đường ống xuyên Anatolian mới, trong bối cảnh các nước phương Tây tìm cách cắt giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga. Việc Đức đình chỉ đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2, vốn được xây dựng để nước này nhập khẩu thêm khí đốt Nga, sẽ củng cố quan điểm đàm phán của Azerbaijan.

Một số nền kinh tế Trung Âu cũng hưởng lợi từ lao động người Ukraine. Dự báo của WB về GDP của Ba Lan, điểm đến chính cho những người tị nạn chạy trốn chiến tranh, chỉ bị giảm 0,8%. Hiện tại, Ba Lan đang phải chống chọi với lạm phát hai con số và tình hình tài chính công căng thẳng. Tuy nhiên, nước này hy vọng, những người tị nạn Ukraine ở lại, ước tính có thể chiếm tới 2/3 trong số khoảng 2 triệu người đã sơ tán tới nước này kể từ đầu chiến sự tới nay, theo thống kê của Liên Hợp Quốc, sẽ giúp lấp đầy khoảng 200.000 vị trí việc làm còn trống.

Tuấn Anh

EU sẽ đẩy nhanh kết nạp Ukraine vì cuộc chiến của Nga?Nhiều người tin, Liên minh châu Âu (EU) sẽ đẩy nhanh kết nạp Ukraine giữa lúc một số lãnh đạo EU công khai ủng hộ Kiev và tình hình chiến sự Nga - Ukraine leo thang. Song, mọi chuyện không đơn giản như vậy.