Tài sản được bán đấu giá là toàn bộ công trình xây dựng gồm Khách sạn Tre Xanh; Tre Xanh Plaza tại số 18 Lê Lai, phường Tây Sơn, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, cùng các công trình phụ trợ, thiết bị đi kèm công trình xây dựng.

Cụm khách sạn, nhà hàng Tre Xanh, Tre Xanh Plaza gồm 2 khu thông nhau (khu A và khu B), được xây dựng trên tổng diện đất: 2.733,57 m2. Tổng diện tích sàn lên đến 14.339,41 m2.

Trong đó, khu A được xây dựng 9 tầng, bao gồm 53 phòng khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao. Khu B được xây dựng quy mô 10 tầng với 63 phòng khách sạn tiêu chuẩn 3 sao.

Giá khởi điểm cho cụm công trình này là 96 tỷ đồng. Phiên đấu giá sẽ diễn ra ngày 4/8 tại Gia Lai. 

Tây Nguyên Group là doanh nghiệp đang niêm yết cổ phiếu trên sàn HNX với mã chứng khoán CTC. Tuy nhiên, cổ phiếu CTC đang bị đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại 31/12/2021 là số âm. 

Đóng cửa phiên giao dịch 18/7, CTC chỉ còn được giao dịch ở mức giá 3.000 đồng/cp.

Khách sạn Tre Xanh của Tập đoàn Hoàng Kim Tây nguyên toạ lạc tại vị trí đắc địa của thành phố Pleiku. (Ảnh: CTC).

3 trụ cột kinh doanh chính của CTC gồm: Tre Xanh Plaza (bao gồm nhà hàng, khách sạn), Công viên Đồng Xanh (xã An Phú, TP. Pleiku, Gia Lai), và hệ thống nhà sách bao gồm: Nhà sách – Siêu thị văn hoá Pleiku (TP. Pleiku), Nhà sách – Siêu thị Đông Gia Lai (thị xã An Khê, Gia Lai), và Nhà sách – Siêu thị Nam Gia Lai (thị xã Ayunpa, Gia Lai). 

Ngoài ra, công ty còn có một số nhà sách văn hoá tại Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ngãi.

Mặc dù sở hữu nhiều nhà sách văn hoá tại nhiều tỉnh thành, nhưng CTC cho hay lĩnh vực nhà hàng, khách sạn thuộc hệ thống Tre Xanh Plaza vẫn là nguồn thu chính của công ty. 

CTC còn góp vốn 22% vốn điều lệ tại CTCP Du lịch Gia Lai (Gia Lai Tourist). 

CTC có vốn điều lệ 158 tỷ đồng, trong đó một cổ đông lớn nắm giữ 21,52% là CTCP Du lịch Vietourist, doanh nghiệp này do ông Trần Văn Tuấn, Thành viên HĐQT CTC làm Tổng Giám đốc. 

Năm 2022 CTC đạt doanh thu 39 tỷ đồng, giảm 74% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế âm 9 tỷ đồng, giảm 1.660% so với năm 2021.

Kết thúc năm 2022 tổng nợ phải trả là 183 tỷ đồng, trong đó nợ dài hạn 16 tỷ đồng. Báo cáo thường niên 2022, doanh nghiệp cho biết vốn vay của doanh nghiệp cao nên áp lực trả lãi rất lớn. 

Báo cáo tài chính quý I/2023 của công ty cho thấy, các khoản nợ gần như không giảm so với cuối năm 2022, lợi nhuận trước thuế âm 2,75 tỷ đồng. 

Công ty cho biết, nguyên nhân do không có doanh thu kinh doanh hàng thương mại, trong khi các khoản phải chi cố định vẫn phải phân bổ theo tiến độ. 

Tại thời điểm 31/3, công ty chỉ có 205 triệu đồng tiền mặt, trong khi vay nợ ngắn hạn lên đến hơn 106 tỷ đồng. Hai chủ nợ ngắn hạn lớn nhất của công ty là BIDV (38 tỷ đồng) và Agribank (37 tỷ đồng). 

Về nợ dài hạn, tính đến 31/3 CTC còn nợ dài hạn 16 tỷ đồng, trong đó nợ Agribank 14,8 tỷ đồng.