Tháng 10/2022, Nguyễn Trung Hiệu (34 tuổi) rời Hà Nội để vào TP.HCM tìm việc. Anh Hiệu đã có hơn 10 năm kinh nghiệm phục vụ tại nhà hàng, quán cà phê, nhưng anh lại không có bằng cấp chuyên môn, điều này khiến anh khó tìm được công việc với mức lương mong muốn.

Sau hơn 1 tháng tìm việc, anh Hiệu trở thành nhân viên pha chế buổi sáng tại quán cà phê với mức lương 25.000 đồng/giờ, ngày làm 8 tiếng. Nếu trừ 4 ngày nghỉ trong tháng, anh được trả công 5,2 triệu đồng/tháng. “Số tiền trên quá thấp nên tôi phải tìm công việc phụ bếp ca tối tại một quán ăn khác. Nếu tính ra, tôi làm việc liên tục từ 6h-22h mỗi ngày, thời gian khoảng 16 tiếng nhưng tổng thu nhập chưa tới 15 triệu đồng/tháng”, anh chia sẻ.

Hiệu là điển hình của một nhân sự thuộc khối ngành F&B (dịch vụ ăn, uống). Anh có thu nhập thấp, công việc bấp bênh, thậm chí, có thể bị sa thải bất cứ lúc nào.

Khảo sát tại gần 3.000 doanh nghiệp F&B của Ứng dụng chuyên cung ứng nhân sự thời vụ - Weploy, cho thấy, hơn 60% nhân sự trong ngành không có sự ổn định về thu nhập, công việc lẫn chính sách đãi ngộ. Ngoài ra, có 40% nhân sự chưa được chủ quán, chủ nhà hàng đào tạo. Họ thiếu kỹ năng để phục vụ tốt nên không có lộ trình thăng tiến. Do đó, đội ngũ lao động này xem công việc F&B là thời vụ, không coi là nghề lâu dài.

Anh Giang Nguyễn, chủ một nhà hàng Âu tại quận 1 cho hay, với guồng quay liên tục tại nhà hàng, nhân viên mới tuyển dụng thường phải tự học các nghiệp vụ để thích nghi môi trường làm việc nhanh nhất có thể. Nhà hàng không có chuyên gia cũng như đủ quỹ thời gian để cầm tay chỉ việc cho từng nhân sự. Sau thời gian thử việc, nhân viên không đảm bảo sẽ không được ký hợp đồng chính thức. 

Bà Võ Huỳnh Ngọc Phượng, chủ quán cà phê trên đường Nguyễn Thị Thập (quận 7), thừa nhận, nhân viên mới chỉ cần làm không sai, không mắc lỗi là sẽ được tuyển dụng. Theo chủ quán, rất khó đòi hỏi tác phong phục vụ chuyên nghiệp ở nhóm lao động ngành F&B hay dịch vụ.

Lĩnh vực F&B tại Việt Nam tăng trưởng tốt thời gian qua. (Ảnh minh họa: Anh Nguyễn)

Lệch pha cung-cầu lao động

Trong báo cáo về thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2022 do iPOS phát hành mới đây, đơn vị này ước tính, đến hết năm 2022, Việt Nam có khoảng 338.600 nhà hàng/quán cà phê. Doanh thu ngành F&B đạt gần 610.000 tỷ năm 2022 và có thể đạt 720.300 tỷ đồng trong năm 2023. Dù kinh tế năm nay được dự báo có nhiều khó khăn, song theo Tập đoàn Nghiên cứu thị trường Euromonitor, giá trị thị trường năm 2023 của F&B Việt Nam dự kiến vẫn tăng 18% so với 2022. 

Dẫu vậy, đà tăng trưởng đi cùng lo ngại về nhân sự trong ngành. Theo iPOS, có tới 99,1% đơn vị kinh doanh F&B đang lo ngại về nhân sự. Cụ thể, 49,5% doanh nghiệp gặp khó trong tìm kiếm người; 37% doanh nghiệp lo ngại về nhân sự thiếu chuyên nghiệp… 

Những lo ngại về phía nhân sự của các doanh nghiệp ngành F&B. (Nguồn: iPOS)

Trao đổi với VietNamNet, ông Trang Công Phát, Tổng Giám đốc Weploy Việt Nam, nhận định, đang có sự lệch pha cung-cầu trong tuyển dụng, doanh nghiệp F&B cần người chuẩn nhưng nhân sự ngoài thị trường lại chưa đảm bảo chất lượng. Sự lệch pha này khiến tỷ lệ nhân sự nhảy việc trung bình trong ngành F&B lên tới 60%. 

Đơn cử, một chuỗi nhà hàng với khoảng 60.000 nhân viên toàn quốc, tiết lộ, con số lao động nhảy việc lên tới 80%. Nhân viên đến làm một thời gian rồi nghỉ, không muốn gắn bó lâu dài, tác động tới sự vận hành ổn định của chuỗi F&B, dẫn đến tổn hại kinh tế.

Theo đại diện Weploy, 5 ngành: phục vụ; thu ngân; pha chế; tạp vụ; lễ tân, là những vị trí mà bất kỳ doanh nghiệp F&B nào cũng cần có và gặp vấn đề trong tuyển dụng. Không chờ đợi lượng nhân sự có sẵn trên thị trường, doanh nghiệp tìm kiếm nguồn lao động ở các Trường Cao đẳng, dạy nghề, hoặc thông qua trung tâm giới thiệu việc làm tại địa phương.

Sau quá trình lọc nguồn lao động, đơn vị thiết kế các khóa học ngắn hạn với 5 ngành trên, trước khi kết nối người lao động với doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng. Điều này giúp tăng chất lượng nhân lực đầu vào, đồng thời, người lao động có phần tự tin hơn trong môi trường làm việc mới.

“Khoảng 2.000 nhân sự đã được đào tạo nghiệp vụ; hơn 700 người nhận công việc và đi làm; 70 đối tác doanh nghiệp giải quyết được bài toán nguồn lao động. Đây là cách chúng tôi hỗ trợ, dần chuẩn hóa nguồn lao động của ngành dịch vụ hay F&B”, ông Phát nói.

Lao động phổ thông gian nan tìm việc

Những năm trước, tại một số khu công nghiệp (KCN) ở Đồng Nai, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng rất nhiều, do có nhiều công nhân “đổi việc” để tìm công ty mới có chế độ đãi ngộ tốt.

Nhưng năm nay, nhiều doanh nghiệp “đìu hiu” tuyển dụng, đưa ra các tiêu chí khắt khe hơn, đòi hỏi người lao động phải có trình độ, tay nghề để vào làm việc ngay mà không cần đào tạo lại.

Tại KCN Amata, có rất đông người lao động đi xem các bảng thông báo tuyển dụng nhưng đa phần các công ty đều đã tuyển đủ hoặc người lao động không đủ tiêu chí nhà tuyển dụng đưa ra.

Anh Nguyễn Duy Quang (quê Ninh Thuận) cho biết, năm nay kinh tế khó khăn nên nhu cầu tuyển dụng lao động không nhiều, sau Tết anh ở lại quê để kiếm việc làm nhưng không có công việc, anh phải quay lại Đồng Nai để tìm cơ hội. Tuy nhiên, cả nửa tháng nay anh vẫn chưa tìm được việc vì đa số các công ty đều yêu cầu bằng cấp và kinh nghiệm, trong khi anh chỉ có bằng cấp 2.

“Những năm trước việc làm cho lao động phổ thông rất nhiều, nhưng năm nay lại khó khăn hơn, họ yêu cầu trình độ cao. Mình có kinh nghiệm nhưng không có trình độ 12 cũng thua thiệt so với người khác”, anh Quang chia sẻ.

Anh Trần Anh Phương (quê Gia Lai) cho hay, anh đã vào Đồng Nai gần 1 tháng nay nhưng chưa có công việc nào thích hợp, mỗi ngày anh phải vừa chạy giao hàng vừa đi tìm công việc mới. Do chỉ có bằng cấp 2 nên hiện tại để tìm được việc làm với anh thật sự quá khó.

“Giờ tôi đâu cần lương cao lương thấp, tôi chỉ cần có công việc ổn định không phải nắng mưa. Chứ chạy giao hàng như này bữa có bữa không", anh Phương tâm sự.

Thực tế, việc lao động phổ thông “gian nan” tìm việc vẫn nhiều, nên Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai vừa tổ chức sàn giao dịch việc làm kết nối với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để người lao động biết và nộp hồ sơ.

Bà Trần Thuỳ Thuỳ Trâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, cho biết, từ đầu năm đến nay, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp là khoảng 6.000 lao động, trong đó nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông hiện nay giảm hẳn so với cùng kỳ các năm trước, có thể là do doanh nghiệp đã ổn định về mặt sản xuất hoặc chưa tìm được đơn hàng mới nên chưa có nhu cầu tuyển dụng.
Trong thời gian tới, để giải quyết vấn này đơn vị cũng kết nối đăng tải tất cả thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp lên các trang thông tin điện tử của trung tâm như Facebook, Zalo cũng như website để người lao động tiếp cận thông tin một cách nhanh và thuận tiện nhất.

Huy Hoàng