Thời gian gần đây, nhiều người dân ở Quảng Bình đi khám, chữa bệnh đều được hưởng thụ nhiều tiện ích, như được tư vấn khám bệnh từ xa, được lập hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử, nhất là việc kết nối liên thông giữa các bệnh viện tuyến trên để hội chẩn các ca bệnh khó,… vì thế, nhiều người dân rất hài lòng và không còn thấy e ngại mỗi khi có bệnh phải đi khám.
Có được kết quả đó là nhờ vào sự nỗ lực của ngành Y tế tỉnh trong việc triển khai công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Y tế Quảng Bình, tính đến nay, toàn tỉnh có trên 485.500 lượt người được quản lý sức khỏe trên hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử, chiếm tỷ lệ 51,21%; 6/7 bệnh viện đa khoa đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật và trang bị hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến; 6/7 bệnh viện đa khoa đăng ký việc tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa thông qua điện thoại, website.
Bên cạnh đó, việc triển khai hệ thống Quản lý đơn thuốc điện tử cũng đã được các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh chú trọng thực hiện. Hiện nay, có 166 cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã đăng ký cơ sở kê đơn thuốc; hơn 700 bác sỹ đăng ký kê đơn; liên thông trên 32.100 đơn thuốc.
Đặc biệt, 100% cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) tiếp đón khám, chữa bệnh bằng Căn cước công dân (CCCD) gắn chip; có gần 169.000 lượt người dân sử dụng thẻ CCCD để tra cứu thông tin BHYT phục vụ khám, chữa bệnh.
Đáng chú ý là, vừa qua, Sở Y tế đã thí điểm khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip tích hợp xác thực sinh trắc tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình và Bệnh viện Đa khoa Đồng Hới.
Tại Bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Bình, để thực hiện công tác chuyển đổi số ứng dụng vào các hoạt động của bệnh viện, ngay từ năm 2019, bệnh viện đã trang bị khá đầy đủ hệ thống máy móc cũng như tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn dành cho đội ngũ cán bộ y tế.
Hiện nay, bệnh viện đang vận hành mô hình bệnh viện thông minh và hồ sơ sức khoẻ điện tử, bệnh án điện tử… đặc biệt, bệnh viện đã kết nối hệ thống với các bệnh viện tuyến trên nhằm hội chẩn trực tuyến các ca bệnh khó, nhờ đó thời gian qua, bệnh viện đã xử lý kịp thời nhiều ca bệnh nguy kịch, hiểm nghèo cần xử lý gấp mà không kịp chuyển lên bệnh viện tuyến trên.
Ngoài ra, bệnh viện đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác chuyên môn nhằm hỗ trợ chuyển giao các kỹ thuật trong khám chữa bệnh bệnh với Bệnh viện trường đại học Y - Dược Huế với mục đích giúp nâng cao năng lực chuyên môn cho bệnh viện thông qua các hoạt động tư vấn, chẩn đoán, khám chữa bệnh từ xa.
Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Dương Thanh Bình, thời gian qua, ngành Y tế Quảng Bình đã tích cực đưa ra các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chú trọng ứng dụng chuyển đổi số vào các hoạt động quản lý, khám, chữa bệnh một cách toàn diện, nhờ đó, đã có những thay đổi tích cực trong hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Theo đó, hiện nay, ngành Y tế tỉnh đã triển khai các ứng dụng, như: Khám, chữa bệnh từ xa; phần mềm quản lý bệnh viện; hệ thống hồ sơ sức khoẻ điện tử; đơn thuốc điện tử; nền tảng quản lý tiêm chủng…. thông qua đó giúp người dân tiếp cận với dịch vụ y tế nhanh chóng, thuận lợi, ít tốn kém; đồng thời giúp đội ngũ y, bác sĩ cũng như các cơ sở y tế từng bước nâng cao chất lượng chuyên môn.
Có thể nói, việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế của tỉnh không chỉ giúp đơn giản hóa các thủ tục cho người bệnh, giảm thời gian chờ đợi, đồng thời giúp đội ngũ y bác sĩ dễ dàng truy xuất thông tin, bệnh án của người bệnh để có phương án chăm sóc sức khỏe tối ưu.
Với tinh thần “Chuyển đổi số Y tế - hướng tới dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện”, thời gian tới đây, ngành Y tế tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số sâu rộng, hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân; đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, số hóa hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính bản điện tử, xử lý các công việc trên môi trường mạng; từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh dựa trên các công nghệ số,…