Tại cuộc họp báo ngày 7/5, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức Hội nghị với doanh nghiệp.
Hội nghị sẽ diễn ra vào 1 buổi sáng, từ 8h-12h ngày 9/5 bằng hình thức trực tuyến kết hợp truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 và các ứng dụng online của Đài truyền hình Việt Nam. Các điểm cầu trực tuyến gồm: điểm cầu chính tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội); 30 điểm cầu tại trụ sở các Bộ, cơ quan Trung ương và 63 điểm cầu tại các địa phương.
Hội nghị dự kiến tập trung thảo luận 4 nhóm vấn đề chính.
Một là, đánh giá chung về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN; ghi nhận và khích lệ các nỗ lực vượt khó, tự lực, tự cường, hỗ trợ lẫn nhau, trách nhiệm xã hội, đồng hành cùng Chính phủ của các DN trong quá trình phòng chống dịch Covid-19.
Doanh nghiệp Việt Nam với khát vọng quốc gia hưng thịnh |
Hai là, đánh giá tác động và khả năng hấp thụ các chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, địa phương ban hành nhằm hỗ trợ DN ứng phó với dịch Covid-19 và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh thời gian qua.
Ba là, nhận định các cơ hội và thời cơ phát triển trong bối cảnh mới và thay đổi lớn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19; khuyến khích DN tái cấu trúc, chủ động sáng tạo phát hiện cơ hội mới, thích ứng với hoàn cảnh mới, nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh để ứng phó linh hoạt với tác động của dịch Covid-19, nắm bắt cơ hội nhằm hướng tới phát triển bền vững hơn, từng bước tạo tính tự chủ cho nền kinh tế.
Bốn là, các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là cộng đồng DN nêu sáng kiến, kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cần thiết để hỗ trợ DN phục hồi và phát triển sau đại dịch. Nội dung thảo luận tập trung vào các nội dung: Hình thành chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng mới trong bối cảnh bị đứt gãy các chuỗi cung ứng truyền thống; Chủ động và khai thác hiệu quả thị trường trong nước trong khi thị trường thế giới đang giảm mạnh cả phía cung và phía cầu; Chủ động các nguồn cung ứng vật liệu trong nước để chủ động trong sản xuất kinh doanh; Cơ hội cho những ngành nghề, sản phẩm có tiềm năng như kinh tế số, chuyển đổi số, trang thiết bị, sản phẩm y tế,...
Kết quả khảo sát gần 130.000 DN do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) thực hiện vào cuối tháng 4 cho thấy: Khoảng 86% DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Nhóm doanh nghiệp lớn (hiện chiếm 2,8% tổng số doanh nghiệp) là nhóm có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động nhiều nhất với tỷ lệ 92,8%; tiếp đến là nhóm doanh nghiệp vừa (91,1%) và nhỏ (89,7%); tỷ lệ này ở nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ (hiện chiếm 62,6% toàn bộ doanh nghiệp) là thấp nhất với 82,1%.
Theo loại hình DN, DN FDI là đối tượng chịu nhiều tác động nhất của dịch Covid-19 (với 88,7%); tỷ lệ này đối với nhóm doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước lần lượt là 87,3% và 85,5%.
Theo ngành kinh tế, một số ngành công nghiệp trọng điểm đang phải đối mặt với những khó khăn khi hầu hết các DN quy mô lớn phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu (dệt may, da giày, điện tử và sản xuất ô tô,... ).
Doanh thu quý I/2020 của các DN giảm mạnh xuống còn 74,1% so với cùng kỳ năm trước và dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 sẽ tiếp tục giảm xuống còn gần 70% cùng kỳ năm 2019. Mặc dù doanh thu bị giảm mạnh so với kế hoạch đề ra, tuy nhiên các DN vẫn phải gánh chịu các khoản chi phí hàng ngày như chi trả lương và các khoản chi phí liên quan cho người lao động, chi phí lãi vay, thuê mặt bằng.
L.Bằng
Sau dịch bệnh, có thể mất 1 năm kinh tế mới hồi phục
Tăng trưởng GDP thấp là điều khó tránh khỏi trong năm 2020 khi dịch bệnh Covid-19 đang rất nghiêm trọng. Các gói hỗ trợ của Chính phủ lúc này là điều cần thiết song phải đúng đối tượng.