Theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của UBND tỉnh Nghệ An, tỉnh sẽ tập trung triển khai thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Quan tâm huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng biên giới đất liền của tỉnh.
Đồng thời ưu tiên đầu tư xóa đói, giảm nghèo, phát triển nhanh kinh tế - xã hội, giải quyết những khó khăn, bức xúc của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trước mắt là tập trung cho các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng bị ảnh hưởng của thiên tai.
Chú trọng đảm bảo các hộ gia đình dân tộc thiểu số được sử dụng điện quốc gia, dịch vụ phát thanh, truyền hình, viễn thông, tiếp cận công nghệ thông tin phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt. Thúc đẩy đào tạo nghề, nâng cao hiệu quả và mở rộng vốn tín dụng ưu đãi đối với các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số của tỉnh giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 4 - 5%/năm.
Có được kết quả trên là do năm qua, tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các cơ chế chính sách, hướng dẫn thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 1989/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025”; Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các chế độ chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương có khả năng xảy ra di cư tự do; Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An…
Đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 được thực hiện trên địa bàn 76 xã khu vực III, 55 xã khu vực và 588 thôn đặc biệt khó khăn.
Nhìn chung các chương trình, đề án, chính sách đã được triển khai kịp thời, công khai minh bạch, dân chủ và đúng quy định; đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào dân tộc và miền núi. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh từng bước đổi thay theo hướng phát triển toàn diện.
Hồ Nhụy, Bạt Tuấn, Kiều Oanh, Diệu Bình