Chuẩn bị cho kỳ nghỉ Quốc khánh 2/9, các siêu thị, trung tâm thương mại... tung ra hàng loạt chương trình giảm giá, khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng.

Cụ thể, dịp này, hệ thống WinMart/WinMart+ ra mắt chương trình “Hàng tươi - Giá tốt” với 4 sản phẩm chủ đạo: Gạo tẻ trắng Ngọc Nương 750g giá 10.000 đồng/túi; táo Braeburn NewZealand 49.900 đồng/kg; MeatDeli - Thịt heo xay (S) 99.900 đồng/kg; O'lala trứng gà sạch giá 29.500 đồng/vỉ 10 quả. Cùng với đó là hàng trăm mặt hàng được khuyến mại lên đến 40%.

Bách hóa Xanh cũng tung loạt ưu đãi mua 2 tặng 1 với kem, sữa các loại, bánh tươi, trà và nước ngọt; thịt heo mua 1kg tặng 200gr; đồng giá cho các loại cá nhập khẩu như cá hồi, cá thu Atka…; chương trình lựa đồng giá 39.000 đồng cho trái cây như lê Singo; dưa hấu không hạt, bơ booth, chuối già Nam Mỹ đồng giá 18.000 đồng… 

Nhiều siêu thị giảm giá, khuyến mại hút khách nhân dịp 2/9 (ảnh: Trần Chung)

Đối với hệ thống bán lẻ Satra, với hóa đơn mua hàng từ 99.000 đồng, khách được mua 1 sản phẩm với giá đặc biệt như: combo 2 chai Cocacola Zero/Less Sugar 1,5L giá 22.000 đồng; combo 2 chai Fuzetea trà chanh với sả 1L giá 21.000 đồng; dầu Cooking đỏ Tường An 1L giá 47.300 đồng… Ngoài ra, với hóa đơn 69.000 đồng các sản phẩm Palmolive/Protex/Colgate tặng 1 tô sứ; hóa đơn 349.000 đồng các sản phẩm - hóa mỹ phẩm P&G tặng 1 tô L&L… Nhiều mặt hàng thiết yếu khác giảm giá tốt và có quà tặng đi kèm nhân dịp lễ 2/9.

Còn từ nay đến giữa tháng 9/2022, Aeon Việt Nam dành tặng khách hàng nhiều ưu đãi khi mua sắm tại hệ thống với các sản phẩm thịt cá, rau củ quả; sản phẩm tiêu dùng nhanh giảm từ 20-50%; đồ gia dụng - điện máy giảm đến 50% từ các thương hiệu Tefal, Energizer, Toshiba, Sony… sản phẩm bánh trung thu có mức chiết khấu tốt để khách hàng lựa chọn.

Đặc biệt, nhiều ưu đãi giảm từ 200.000-500.000 đồng cũng được áp dụng đồng thời khi khách hàng mua hàng và thanh toán bằng các hình thức thanh toán không tiền mặt.

Đối với MM Mega Market, khuyến mại kéo dài đến 14/9, các sản phẩm như cá hồi phi lê, cánh gà, cá chép giòn, nạc heo xay, bắp bò… giá giảm 10-25% và nhân đôi điểm tích luỹ. Trái cây, rau củ quả như táo Fuji, Kiwi vàng, dưa Hắc mỹ nhân, bí đao xanh, xà lách Iceberg… giảm từ 20-30% và nhân 2 điểm tích luỹ. Các mặt hàng hoá mỹ phẩm của một số thương hiệu nổi tiếng cũng giảm từ 20-40% và nhân 2 điểm tích luỹ. Hàng gia dụng nồi cơm điện, ấm siêu tốc, bếp hồng ngoại, máy hút bụi, chảo chống dính giảm đến 50%...

Xăng dầu tăng ảnh hưởng lớn đến giá hàng hóa

Nhiều siêu thị đồng loạt chạy đua khuyến mại nhân dịp lễ 2/9 nhằm kích cầu tiêu thụ nội địa, nhất là khi giá cả nhiều mặt hàng ngoài chợ truyền thống leo thang cả thời gian dài theo giá nhiên liệu đầu vào, khiến bà nội trợ e dè hơn trong chi tiêu.

Ước tính, 8 tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng - CPI của riêng TP.HCM tăng ở mức 2,1%, con số này thấp hơn so với bình quân chung cả nước là 2,58%. CPI bị ảnh hưởng chủ yếu bởi giá xăng dầu, trong 8 tháng của năm 2022, giá xăng dầu tăng bình quân 45,38% đã góp phần vào tăng 1,55 điểm % trong CPI của địa phương này, theo Cục Thống kê TP.HCM.

Xăng dầu là yếu tố chính tác động tới chỉ số giá tiêu dùng (ảnh: Chí Hùng)

Với độ mở lớn của nền kinh tế lớn nhất nước, việc nhập khẩu nhiều nguyên liệu dẫn đến chi phí nguyên liệu chiếm tới 40,2% trong chi phí trung gian của TP và 21,1% trong giá trị ngành vận tải. Khi giá xăng dầu tăng đã ảnh hưởng rất nhiều tới thị trường sản xuất, cạnh tranh trong nước cũng như nước ngoài của giới DN.

Trong khi đó, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại TP.HCM tháng 8/2022 ước đạt khoảng 98.840 tỷ đồng, con số này giảm 1,1% so với tháng trước (trong đó, doanh thu thương mại giảm 0,8%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 0,2%; dịch vụ lữ hành giảm 13,5%; dịch vụ khác giảm 1,7%). Tính chung 8 tháng của năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ TP ước đạt 746.578 tỷ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ. 

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, nhận định, doanh thu thương mại giảm 0,8% trong tháng 8/2022 có thể vì thời điểm này rơi vào tháng 7 Âm lịch, một số khoản tiêu dùng của người dân trên địa bàn TP giảm như đám cưới, đám hỏi hay các hoạt động khác, từ đó ảnh hưởng đến doanh số bán buôn, bán lẻ.

Để khắc phục tình trạng giảm sút này, từ tháng 9, Sở chức năng sẽ triển khai nhiều hoạt động như kết nối cung cầu, giúp gia tăng tiêu thụ nội địa và tổ chức các sự kiện trong chuỗi tổng kết 20 năm chương trình bình ổn thị trường.

Tháng 9 và quý IV, TP.HCM sẽ thực hiện chương trình khuyến mại tập trung cho kỳ mua sắm cuối năm và chuẩn bị hướng tới mùa tiêu thụ Tết Nguyên đán 2023. Hy vọng khó khăn của DN sẽ sớm được giải quyết, có lượng tăng trưởng tốt hơn trong thời gian tới.