Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận về báo cáo của đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”. 

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị) cho biết, Nghị quyết 43 ban hành đầu năm 2022 và dự kiến thực hiện trong năm 2022-2023 với mục tiêu phục hồi kinh tế sau Covid-19. Tuy nhiên chính việc chậm triển khai Nghị quyết 43 đã mang lại hiệu quả. Vì nếu triển khai mạnh vào đầu 2022 khi mới ban hành, sẽ khiến bong bóng tài sản lúc đó thêm phình to.

Triển khai chậm, lúc bong bóng đã qua đỉnh và bắt đầu quá trình "hạ cánh", nên Nghị quyết 43 có tác dụng giúp Việt Nam "hạ cánh mềm", thay vì "hạ cánh cứng" như nhiều nước khác.

250520240940 z5473995315122_e176b93c958d469cc23872cbe682710b.jpg
Đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu sáng nay. Ảnh: Quốc hội

Về chính sách tiền tệ, Đại biểu Hà Sỹ Đồng nhận định năm 2022 và 2023 là "hai năm toát mồ hôi" của chính sách tiền tệ. Nhìn lại thì có nhiều điểm làm được và một số điểm còn tồn tại, song đó theo ông Đồng vào thời điểm đó mà điều hành được như những gì đã diễn ra có thể coi là thành công.

Về lâu dài, Đại biểu đề xuất cần tiến tới sử dụng các công cụ lãi suất để điều hành tín dụng hơn là công cụ về hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng). Tại báo cáo gửi tới Quốc hội ở kỳ họp này, Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên trì quan điểm chưa thể bỏ công cụ room tín dụng. Nhưng Đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có tổng kết, đánh giá chính sách room tín dụng và tiến tới luật hóa đối với vấn đề này. 

Đại biểu cũng nói thêm "có tình trạng tát nước theo mưa", nhân việc Quốc hội và Chính phủ đang có gói hỗ trợ phục hồi kinh tế mà có ngành xin thêm. Ví dụ như ô tô xin gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm lệ phí trước bạ, khiến năm 2022 là năm ngành ô tô có doanh số kỷ lục. 

Đại biểu phân tích, việc giảm thuế xăng dầu, chính sách giảm thuế VAT 2% đáng lý ra có thể được điều chỉnh để giảm cho tất cả mặt hàng từ 10% xuống 8%, nhưng lại cứng nhắc phụ thuộc vào Quốc hội và phụ thuộc vào Nghị quyết 43. Đối với chính sách giảm nộp thuế đến cuối năm 2024, nhiều ý kiến đề nghị giảm thêm vài tháng sang năm 2025, đây là thời điểm “giáp hạt” đối với doanh nghiệp. 

siêu thị.jpg
Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Đại biểu cho rằng, bài học rút ra sau khi thực hiện Nghị quyết 43 là tập trung vào tính khả thi và chọn thời điểm. Chính sách kinh tế vĩ mô có đặc điểm quan trọng là phải chọn đúng thời điểm, một chính sách đúng vào tháng 1 nhưng chưa chắc đã đúng vào tháng 3 khi diễn biến lạm phát, tăng trưởng đã khác.

Do đó, nếu trong tương lai lại có các chương trình gói hỗ trợ kinh tế vĩ mô phải cân nhắc rất kỹ về yếu tố thời điểm để đưa chính sách vào cuộc sống.

Theo đại biểu, nếu gặp tình huống cần chính sách hỗ trợ, việc đầu tiên cần nghĩ đến là giảm thuế, thậm chí có thể cân nhắc việc giảm thuế mức lớn hơn và cần tập trung vào một số ngành rất cụ thể.

Ví dụ vào thời điểm mới bắt đầu hết giãn cách, khôi phục các đường bay nên tính đến việc giảm VAT hàng không về 0 hoặc giảm các loại phí và thuế khác. Điều này có thể giúp cho ngành hàng không và các ngành khác phục hồi nhanh hơn.

Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) nêu rõ, việc ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết 43 là đúng đắn, kịp thời với nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ, cổ vũ tinh thần của người dân và doanh nghiệp và bổ sung nguồn lực lớn của ngân sách nhà nước và nguồn huy động khác để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển. 

Điểm sáng trong thực hiện Nghị quyết 43 là nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ đã đến được với người dân, doanh nghiệp, tập trung được nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông.

Đại biểu cho biết chính sách giảm thuế VAT 2% được kéo dài đến 30/6/2024. Qua giám sát, đại biểu cho biết doanh nghiệp đánh giá cao vì vừa kích thích tiêu dùng, vừa kích thích sản xuất phát triển.

Vì vậy, Đại biểu đề nghị Quốc hội cân nhắc xem xét cho phép tiếp tục kéo dài việc thực hiện chính sách trong thời gian phù hợp với tình hình doanh nghiệp, người dân vẫn còn khó khăn, khả năng tự phục hồi, phát triển chưa bền vững.