Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 1473 ngày 26/11/2024, xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt (đợt 16) đối với 6 di tích, trong đó có đình làng Đình Bảng, thuộc TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho những giá trị kiến trúc, lịch sử và văn hóa mà ngôi đình cổ này mang lại.
Đình Đình Bảng là một ngôi đình cổ kính nổi tiếng nhất của đất Kinh Bắc. Theo sử sách, đình làng Đình Bảng được xây dựng trong thời Hậu Lê (1700-1736) và hiện sở hữu tổng diện tích khoảng 750m2.
Cũng như nhiều đình làng Việt Nam dựng vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, đình Báng có kiến trúc bề thế, hòa hợp với thiên nhiên Việt Nam. Đình có mái dài, rộng, các đầu đao uốn cong vút, lợp ngói mũi hài dày bản, rộng khổ.
Trong các công trình kiến trúc gỗ cổ truyền tại Việt Nam, Đình Bảng chính là công trình có các đầu đao vươn xa nhất. Hiện nay còn rất ít các ngôi đình giữ được đồng bộ hệ thống sàn gỗ từ Đại bái đến Hậu cung như đình Đình Bảng.
Nổi bật nhất trong kiến trúc của đình Đình Bảng là hệ thống 84 cây cột gỗ lim lớn nhỏ, được liên kết với nhau bằng các loại mộng theo kiểu chồng rường "thượng tam hạ tứ". Bốn mái đình cong đồ sộ, bốn đầu đao cao vút được xem là cao nhất, vươn xa nhất so với các công trình kiến trúc gỗ cổ truyền Việt Nam, tạo nên dáng vẻ uy nghi, bề thế cho ngôi đình.
Hình tượng rồng xuất hiện nhiều nhất, trên các ván gió, vì nách, đầu dư, bẩy hiên, chốt bẩy… với hàng trăm con rồng được tạo tác khác nhau. Trong đình có hơn 500 đầu rồng chạm khắc tinh xảo mà không chiếc nào giống chiếc nào, hay bức ngũ long tranh châu. Rồng điển hình ở đình Đình Bảng có vẩy, sừng ngắn, tai vểnh như cánh chim nhỏ, mắt tròn lồi, miệng rộng loe, môi dày với góc nhìn chính diện hoặc quay 2/3 đầu ra ngoài, dưới bụng rồng có đốt… 41 mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII.
Đình làng Đình Bảng không chỉ nổi tiếng về kiến trúc mà còn là nơi hội tụ văn hóa tín ngưỡng của người dân xứ Kinh Bắc. Ban đầu, đình thờ ba vị nhiên thần: Cao Sơn Đại Vương (Thần Đất), Thủy Bá Đại Vương (Thần Nước), và Bạch Lệ Đại Vương (Thần Nông), tượng trưng cho sự cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Hàng năm, vào tháng Chạp Âm lịch, người dân tổ chức lễ hội tại đình để cầu nguyện một năm bội thu.
Ngoài ra, đình cũng thờ Lục Tổ - sáu vị có công lập lại làng sau khi Lê Lợi khởi nghĩa đánh tan giặc Minh xâm lược. Đặc biệt, sau khi đền Lý Bát Đế bị thực dân Pháp phá hủy năm 1948, bài vị của tám vị vua triều Lý đã được chuyển về đình Đình Bảng để thờ tự, giữ vững truyền thống văn hóa tâm linh của vùng.
Trải qua gần 300 năm, đình Đình Bảng đã đi vào đời sống tình cảm và là niềm tự hào của người dân xứ Kinh Bắc.
6 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 16, năm 2024) gồm:
Di tích kiến trúc nghệ thuật Quần thể di tích đình, đền, chùa Tiên Lục (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang).
Đình Đình Bảng (thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
Di tích lịch sử-kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Đa Hòa-Dạ Trạch (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên).
Các di tích lịch sử Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).
Di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển (TP Hải Phòng, tỉnh Phú Yên, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh Cà Mau).
Di tích lịch sử Trận địa pháo 105mm của Đại đội 805 (TP Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), bổ sung vào Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ xếp hạng tại Quyết định số 1272 ngày 12/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Bảo tồn di sản kiến trúc không thể hiểu theo nghĩa cứng là ‘đóng hộp’Việc bảo tồn di sản kiến trúc không thể hiểu theo nghĩa cứng là “đóng hộp”–bảo tàng hóa để bảo vệ nguyên trạng như với di tích. Thực tế trùng tu di tích cũng có lúc phải phát lộ (bớt đi), tái định vị (bố trí lại) hay bổ khuyết, phục dựng (thêm vào).