Văn Lăng là xã thuộc huyện Đồng Hỷ. Xã hiện có trên 1.470 hộ, trong đó hơn 3/4 dân số là người dân tộc thiểu số (riêng người dân tộc Mông chiếm khoảng 1/3 dân số toàn xã), còn lại là các dân tộc Dao, Tày, Nùng… Đây là xã duy nhất tại huyện Đồng Hỷ chưa đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao (gần 23%), hơn 8% hộ gia đình thuộc diện cận nghèo.
Tại xóm Khe Hai, xã Văn Lăng có 33 hộ. Nếu như trước năm 2020, xóm còn hơn chục hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo, nay còn 5 hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo. Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, không ít gia đình thoát nghèo. Hiện có 22 hộ đang vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, với dư nợ gần 1,6 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Phúc, xóm Khe Hai, chia sẻ với số tiền 100 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, gia đình ông đã đầu tư mua giống cây và thuê người trồng 4ha rừng. Với chu kỳ trồng từ 5-7 năm, trung bình 1ha rừng mang lại thu nhập từ 50-70 triệu đồng. Nhờ nguồn thu này, nhiều gia đình đã có điều kiện để xây, sửa nhà, chăm lo cuộc sống, con cái học hành...
Ở xóm Khe Mong, xã Văn Lăng, gia đình anh Hoàng Văn Sính, dân tộc H'Mông là một trong những hộ nghèo, cuộc sống phụ thuộc vài sào ruộng. Anh Sính được hỗ trợ tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng chè, đem lại năng suất cao, tạo sinh kế, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình để thoát nghèo.
Tính đến cuối tháng 3/2024, tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đồng Hỷ tại xã Văn Lăng đạt xấp xỉ 70 tỷ đồng, với 923 hộ đang vay, chiếm gần 63% tổng số hộ trên địa bàn xã. Các hộ vay chủ yếu để trồng rừng, trồng chè, chăn nuôi trâu, bò, dê…
Ông Hoàng Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, cho biết nhờ được quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay, toàn xã đã có trên 80 hộ trồng chè với 297 ha đang thu hoạch. Trung bình mỗi năm, xã sản xuất được khoảng 333 tấn chè búp tươi.
Hiện có 3 làng nghề trồng chè được công nhận VietGAP (xóm Khe Mong, xóm Tân Lập và xóm Tân Thành). Theo ông Trường, việc làng nghề được công nhận sẽ nâng cao nhận thức người trồng chè của địa phương đối với công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường; đồng thời giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá thương hiệu.
Trên toàn huyện Đồng Hỷ, xác định tín dụng chính sách là kênh dẫn vốn quan trọng, tạo nguồn lực cho hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo đầu tư phát triển sản xuất nên cấp ủy, chính quyền huyện thường xuyên củng cố Ban đại diện Ngân hàng chính sách xã hội, tổ tín dụng và vay vốn ở các thôn, xóm, bố trí địa điểm ngay tại xã để giao dịch thuận lợi. Từ năm 2022 đến nay, hơn 3.700 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo vay hơn 270 tỷ đồng để phát triển kinh tế, sử dụng vốn vay hiệu quả.
Lãnh đạo UBND huyện Đồng Hỷ cho biết Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, việc triển khai thực hiện trên địa bàn khá đồng bộ và hiệu quả. Các vấn đề cơ bản nhất đối với hộ nghèo như nhà ở, cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí học tập... đã được giải quyết kịp thời, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của nhân dân.
Trong 3 năm triển khai, công tác giảm nghèo huyện Đồng Hỷ đã đạt được kết quả rất tích cực. Tỷ lệ nghèo đa chiều toàn huyện giảm từ 16,22% (năm 2022) xuống còn 9,95% (năm 2024), giảm 6,27% tương ứng với 1.552 hộ. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đến năm 2025 của huyện đặt mục tiêu hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Để thực hiện việc hạn chế tái nghèo, huyện tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và tiếp tục triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào “Đồng Hỷ chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.