Lâu nay, nhiều người Việt vẫn duy trì nhiều thói quen ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ mà không hề hay biết. Sai lầm này khiến không ít người Việt phải nhập viện cấp cứu, tốn kém nhiều chi phí, thậm chí trả giá bằng tính mạng. Tuyến bài "Thói quen làm hại sức khoẻ người Việt" là lời cảnh báo từ các chuyên gia thông qua những ca bệnh thực tế.
Bệnh nhân là ông T.V.T. (58 tuổi, ở Phú Bình, Thái Nguyên). Ông vào khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trong tình trạng sốt cao, toàn thân nổi nhiều bọng nước rải rác, loét trợt niêm mạc vùng môi, miệng và sinh dục.
Ông T. cho biết có tiền sử mắc bệnh gout, bị sốc phản vệ do thuốc Allopurinol. Trước đó 10 ngày, người bệnh bị đau khớp, tự ra quầy mua thuốc điều trị gout, trong đó có Allopurinol.
Sau khi uống được 3 ngày, ông bị sốt. Đến ngày thứ 7, cơ thể của bệnh nhân nổi phỏng nước ngoài da, loét trợt niêm mạc môi miệng và vùng sinh dục. Bác sĩ chẩn đoán ông bị dị ứng thuốc thể nặng (hội chứng Lyell) do sử dụng thuốc Allopurinol.
Hội chứng Lyell (còn gọi là bệnh hoại tử thượng bì nhiễm độc) nằm trong nhóm dị ứng thuốc chậm, cũng là bệnh gây hậu quả nghiêm trọng nhất trong nhóm này, khiến tính mạng người bệnh bị đe dọa nghiêm trọng. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng hoại tử ở lớp biểu bì (lớp trên cùng của da), sau đó trợt loét vùng da này.
Các nhóm thuốc thường gây hội chứng Lyell là: nhóm thuốc điều trị gout (allopurinol), nhóm thuốc điều trị bệnh lý thần kinh (cacbamazebin-tegretol), các nhóm thuốc kháng sinh; thuốc giảm đau chống viêm không steroid và các loại thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc.
Tình trạng tự ý mua và sử dụng thuốc, dùng thuốc không theo đơn của bác sĩ diễn ra khá phổ biến ở nước ta. Bác sĩ khuyến cáo người dân nên có sổ theo dõi ghi lại các thuốc nghi ngờ hoặc đã biết chắc chắn là dị ứng. Khi vào bệnh viện điều trị những lần tiếp theo, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ, dược sĩ biết về tiền sử dị ứng và mức độ nghiêm trọng.
Ngoài ra, bác sĩ Lại Thùy Dương, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) còn cảnh báo về tình trạng người dân sử dụng lại đơn thuốc cũ. Mỗi đơn thuốc do bác sĩ kê thường chỉ có giá trị một lần khám và chỉ được sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định. Bởi mỗi một bệnh lý cần thời gian theo dõi khác nhau. Ví dụ, các bệnh lý cấp tính như viêm tai mũi họng, người bệnh chỉ cần dùng thuốc và theo dõi trong vòng 5-7 ngày là có thể ổn định. Tuy nhiên, ở thời điểm khác mức độ bệnh đã khác, thể trạng của người bệnh cũng khác, vì thế bắt buộc phải đến cơ sở y tế khám để bác sĩ cho đơn thuốc mới.
Với các bệnh lý mạn tính cần theo dõi lâu dài, bác sĩ có thể cho đơn thuốc dùng trong thời gian dài. Tuy nhiên, sau khi dùng hết thuốc, người bệnh cần mang theo đơn cũ khi tái khám để bác sĩ đánh giá lại mức độ đáp ứng thuốc và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Nếu bệnh ổn định hoặc tiến triển tốt hơn, bác sĩ sẽ cho dùng thuốc cũ, liều cũ hoặc giảm liều. Trong trường hợp bệnh tiến tiển nặng hơn hoặc mắc thêm bệnh mới, bác sĩ sẽ phải điều chỉnh các thuốc điều trị cũng như liều lượng thuốc. Mặt khác, theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế, mỗi loại thuốc chỉ được dùng trong một thời gian nhất định, không được dùng kéo dài.
Cùng với thói quen tái sử dụng đơn thuốc, nhiều người còn mượn đơn thuốc của người khác do thấy bệnh cũng có biểu hiện tương tự. Việc tự ý sử dụng thuốc sẽ dẫn tới nhiều hậu quả như người bệnh tốn tiền mua thuốc mà bệnh không khỏi. Nghiêm trọng hơn, bệnh nhân có thể gặp các tác dụng phụ do thuốc gây ra, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Do đó, bác sĩ Dương khuyến cáo người bệnh tuyệt đối không dùng lại đơn thuốc cũ, không dùng đơn thuốc của người khác hay cho người khác mượn đơn thuốc của mình, cũng như không tự ý thêm hay bớt thuốc trong đơn. Khi bị bệnh, người dân nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ có chuyên môn khám và có chỉ định điều trị cụ thể, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.