Thời gian gần đây, khi các lực lượng chức năng siết chặt việc kiểm tra vi phạm về nồng độ cồn, nhiều người đã tìm mua máy đo nồng độ về để tự kiểm tra.
Anh L.Đ.V. (40 tuổi, trú tại Hà Nội) đã đặt mua máy đo nồng độ cồn trên mạng với giá hơn hai trăm nghìn đồng.
“Mình thấy rẻ nên mua về để tự kiểm tra còn về độ chính xác, kết quả có được công nhận không thì mình không nắm được”, anh V. bộc bạch.
Cũng với lý do tương tự, anh N.Đ. (35 tuổi, trú tại Bắc Ninh) chia sẻ, khi thấy những người bạn của mình giới thiệu máy đo nồng độ cồn giá rẻ nên cũng mua về thử.
“Tôi lo lắng khi mình uống rượu vào buổi tối thì sáng hôm sau còn nồng độ cồn trong hơi thở không, vậy nên đã mua về thử. Quá trình mua, người bán cũng không nói đến độ chính xác hay tỉ lệ sai số của máy”, anh N.Đ. chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Công an cho biết, việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (trong đó có máy đo nồng độ cồn trong hơi thở) để phát hiện vi phạm hành chính được quy định tại Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi và Nghị định 135/2021/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, tại Điều 16 Nghị định 135/2021 cũng nêu rõ, cá nhân, tổ chức có thể cung cấp dữ liệu từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do mình thu được cho cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền xử phạt.
Nếu dữ liệu đáp ứng được các yêu cầu quy định tại Điều 17 Nghị định 135/2021/NĐ-CP thì được sử dụng làm căn cứ xác minh, phát hiện vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Theo đó, Điều 17 quy định, về yêu cầu về dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật: Thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Không xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và tổ chức theo quy định của pháp luật.
Phản ánh khách quan, chính xác, trung thực về hành vi vi phạm, thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm; Đáp ứng yêu cầu về thời hạn sử dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định này. Về dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp, nếu đáp ứng được yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này thì được sử dụng làm căn cứ xác minh, phát hiện vi phạm và xử phạt theo quy định.
Tuy nhiên, cá nhân, tổ chức cung cấp dữ liệu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực, nguyên vẹn của dữ liệu đã cung cấp và hợp tác với người có thẩm quyền giải quyết khi được yêu cầu.
Cũng liên quan về vấn đề này, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho rằng, Luật phòng chống tác hại rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP ra đời nhằm hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn giao thông liên quan đến người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia.
“Chúng tôi khuyến cáo người tham gia giao thông không lái xe sau khi đã sử dụng rượu, bia. Chiếc máy đo tốt nhất chính là ý thức chấp hành của mỗi người, đã sử dụng rượu bia thì không lái xe”, đại diện Cục CSGT nói.