Theo thống kê của Cục CSGT, trong 45 ngày qua, có 99.135 tài xế vi phạm nồng độ cồn bị lực lượng CSGT toàn quốc xử lý. Đây là mức vi phạm rất cao, số lượng vi phạm tăng 23,65% so với 1,5 tháng liền kề trước đó trong cùng thời gian của đợt cao điểm. 

Trong đó, số tài xế vi phạm ở mức 3 (mức vi phạm cao nhất được quy định tại Nghị định 100/NĐ-CP) chiếm gần 31,5%. Đáng nói, có 1.438 tài xế không chấp hành việc kiểm tra nồng độ cồn.

Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) kiểm tra nồng độ cồn.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT cho biết, trong năm 2023, Bộ Công an xác định quan điểm thiết lập kỷ cương, bảo đảm trật tự an toàn trên các tuyến giao thông. Việc xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn là một trong 3 hành vi vi phạm được tập trung xử lý để kéo giảm tai nạn cùng với hành vi chở quá tải trọng và chạy quá tốc độ.

“Việc kiểm soát nồng độ cồn được thực hiện trên cả nước, đặc biệt tập trung tại các đô thị nhằm tạo tính răn đe, hình thành thói quen "Đã uống rượu bia, không lái xe”, Đại tá Nguyễn Quang Nhật thông tin.

Lực lượng CSGT hóa trang đứng trước cửa quán bia, cửa hàng báo trường hợp có dấu hiệu vi phạm nồng độ cồn.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết, quá trình xử lý, các cán bộ chiến sĩ CSGT được thực hiện với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ phải ghi rõ nhật ký ca công tác, trong mỗi máy đo nồng độ cồn cũng lưu trữ toàn bộ dữ liệu để chỉ huy đơn vị kiểm tra, đối chiếu với các biên bản xử lý.

Đơn cử như Công an tỉnh Hòa Bình đã thực hiện việc kiểm tra chéo địa bàn về vi phạm nồng độ cồn. CSGT ở huyện này sẽ sang địa bàn huyện khác làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm tránh có sự quen biết, xin bỏ qua vi phạm. 

Người vi phạm gọi điện thoại can thiệp nhưng bị lực lượng CSGT từ chối.

Thêm vào đó, Cục CSGT đã tham mưu cho hơn 40 Thành ủy, UBND tỉnh, thành phố có văn bản chỉ đạo cơ quan ban ngành, cán bộ công chức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, đã uống rượu bia thì không lái xe và không được can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm.

Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, trong thời gian thực hiện cao điểm xử lý vi phạm về nồng độ cồn, có ý kiến bày tỏ lo ngại việc tài xế ăn hoa quả, uống thuốc dạng siro sẽ có “hơi men” khi kiểm tra. Đại diện Cục CSGT khẳng định, ngay khi Nghị định 100 ra đời, cơ quan này đã thực nghiệm với nhiều loại hoa quả, thuốc ho, nước trái cây lên men… kết quả cho thấy người ăn, uống các loại này không ghi nhận trong cơ thể có nồng độ cồn. 

Quy trình CSGT kiểm tra nồng độ cồn sẽ thực hiện qua 2 bước là đo định tính (xác nhận có cồn hay không) và đo định lượng để xác định mức nồng độ cồn trong hơi thở.

Máy đo nồng độ cồn ở chế độ định tính.

Trường hợp kiểm tra định tính xác định có nồng độ cồn, nếu lái xe có sử dụng một số đồ ăn lên men trước đó thì họ có quyền đề nghị CSGT cho nghỉ ngơi 5-10 phút đồng thời uống nước cho sạch khoang miệng trước khi đo định lượng. Nếu trước đó tài xế đã đo định lượng cũng được phép đề nghị lực lượng chức năng cho thổi lại để đảm bảo tính khách quan. 

Còn về băn khoăn liên quan đến “mức vi phạm 0 tuyệt đối” trong việc xác định nồng độ cồn, Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội thông qua có nội dung cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn... Các nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông nằm dưới sự điều chỉnh của luật này.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông 

Đại tá Nguyễn Quang Nhật lấy ví dụ, vụ tài xế ô tô gây tai nạn khiến 2 cha con ở Bà Rịa – Vũng Tàu tử vong ngày 18/2, cơ quan chức năng xác định tài xế có nồng độ cồn ở mức 0,036 mg/l khí thở. 

Tại cơ quan công an, tài xế khai nhận trước đó uống 3 lon bia, sau khi uống xong có về nhà ngủ một giấc rồi đi tiếp. Thời điểm lái xe, người này bị mất tập trung do buồn ngủ dẫn đến tai nạn.

Đại diện Cục CSGT khẳng định, việc nồng độ cồn thấp cũng có thể khiến hành vi của lái xe khó kiểm soát dẫn đến tai nạn. Do đó, các quy định pháp luật cần đảm bảo chặt chẽ, tạo tính răn đe, xử lý đúng người và đúng hành vi.