Trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu, chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu có thể lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng từ Quỹ BHXH cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Mức hưởng tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH, đồng thời được hưởng BHYT do ngân sách nhà nước đảm bảo. Khi mất, người thân được hưởng trợ cấp tử tuất 10 triệu đồng.

Tham gia góp ý dự thảo, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, đề xuất này giúp người lao động sau khi đến tuổi nghỉ hưu được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sớm hơn, mức trợ cấp hằng tháng cao hơn. Việc này sẽ góp phần tạo sự liên kết, hỗ trợ giữa các tầng, đặc biệt là tầng trợ cấp hưu trí xã hội với BHXH cơ bản.

Đa số người lao động khi về già không có lương, cuộc sống sẽ rất khó khăn. Ảnh minh hoạ.

Thống nhất với việc xác định hệ thống BHXH đa tầng, Tổng liên đoàn lao động cho rằng, tầng thứ nhất là trợ cấp hưu trí xã hội. Trong đó, ngân sách nhà nước cung cấp một khoản đảm bảo thu nhập cho người cao tuổi không có lương hưu hoặc BHXH hằng tháng. Đồng thời cần quy định các chính sách huy động các nguồn lực xã hội để các nhóm này có mức hưởng cao hơn.

Đại diện Bộ Nội vụ cho rằng, cần đánh giá tính khả thi của quy định này khi người lao động có thể lựa chọn hưởng BHXH một lần hoặc hưởng trợ cấp hằng tháng với mức thấp theo quy định.

Trong khi đó, Bộ Tư pháp cho rằng, quy định mức hưu trí xã hội chưa rõ cách thức xác định mức cao hơn trong trường hợp khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội mà vẫn chưa hết tổng số tiền đóng BHXH của người lao động. Do vậy, để đảm bảo tính khả thi cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu và làm rõ các nội dung trên.

Hiện nay, cả nước có trên 5 triệu người cao tuổi không được hưởng trợ cấp hằng tháng, khi về già gặp nhiều khó khăn. Do vậy, đề xuất người lao động tham gia BHXH chưa đủ 15 năm, không nhận BHXH một lần sẽ được nhận trợ cấp hưu trí giúp người lao động được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sớm hơn và mức trợ cấp hằng tháng cao hơn.

Theo quy định hiện nay, người từ 80 tuổi trở lên, không có lương hưu, không trợ cấp BHXH được nhận trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước với mức 360 nghìn đồng mỗi tháng.

Đánh giá tổng thể phương án rút BHXH một lần

Về 2 phương án nhận BHXH một lần, dự thảo Luật BHXH sửa đổi đưa ra 2 phương án: Cho người lao động rút hết và cho rút không quá 50%. Điều kiện rút khi người lao động có thời gian đóng BHXH dưới 20 năm.

Góp ý nội dung này, BHXH Việt Nam lựa chọn phương án cho người lao động rút tối đa không quá 50%, nhưng đề nghị chỉnh sửa theo hướng bỏ quy định sau 12 tháng mới được nhận BHXH một lần. Giảm điều kiện không được hưởng BHXH một lần dưới 15 năm thay vì 20 năm như quy định hiện hành…

Trong khi theo Bộ Tư pháp, quy định này chưa phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 28 của Ban chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH, chưa đảm bảo tính thống nhất với các nội dung khác của dự thảo luật. Trong dự thảo luật cơ quan soạn thảo mới chỉ đề xuất hai phương án, chưa phân tích, đánh giá ưu điểm, nhược điểm; tác động kinh tế - xã hội của mỗi phương án đối với người lao động, quỹ BHXH.