- 7 năm gắn bó với VN trong hai
lĩnh vực "khoai" nhất là cải cách hành chính và chống tham nhũng, Jairo
Acuna-Alfaro có lẽ là một trong những chuyên gia quốc tế am hiểu VN nhất trong
hai lĩnh vực này đúng thời điểm VN "phải thay đổi".
Trước khi rời Hà Nội, Jairo Acuna-Alfaro trải lòng với VietNamNet:
Trong 7 năm qua đã có nhiều thay đổi. Điều quan trọng tôi học được là ở VN, mọi việc đều phải theo từng bước.
Trong hai lĩnh vực mà tôi làm việc chủ yếu, hiện nay đã có nhiều thảo luận, tranh luận cởi mở hơn. Khi tôi mới đến, có rất ít dữ liệu, thông tin được cung cấp trên các trang web dịch vụ công. Chúng tôi đã tập trung vào việc đưa các ý kiến của người dân vào để cân bằng với đánh giá từ phía chính quyền. Đến hôm nay, chúng tôi đã thúc đẩy được việc đó, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm.
Ông Jairo Acuna-Alfaro, cựu cố vấn chính sách về cải cách hành chính và chống tham nhũng của UNDP Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng |
7 năm qua, VN đã có
thêm nhiều quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, với nội dung tinh vi,
phức tạp hơn để có thể bao quát mọi khía cạnh của tham nhũng. Đã có nhiều công cụ để hạn chế tham nhũng, nhưng
tham nhũng dường như chưa được hạn chế.
Thế nên để tóm tắt lại, tôi sẽ miêu tả nó như "lái xe máy mà vừa bóp phanh, vừa nhấn ga", động cơ không biết nên chạy hay nên ngừng.
Tập quán không chính thức hay cái phanh?
Để cân bằng giữa những giá trị quốc tế và bối cảnh thực tiễn VN, đâu là những thách thức lớn nhất, theo ông?
Trước hết là ngôn
ngữ. Cách nói của VN thể hiện cách nghĩ của họ. Dù không nói được tiếng
Việt, tôi vẫn có thể, trong vốn tiếng Việt ít ỏi của mình, hiểu được một số
logic. Thứ hai chính là những "tập quán không chính thức", với mức độ rất cao gần như
trong mọi hoạt động của đời sống ở VN, từ việc bán hàng rong trên phố đến việc
đưa ra những chính sách quan trọng.
Như thế "cái phanh" mang nghĩa sự trở ngại cho phát triển chăng?
Thực tế VN đã tiến bộ rất nhiều và đạt được những thành tích không thể phủ nhận trong những năm qua. Biết đâu chính những "tập quán không chính thức" đó lại góp phần không nhỏ. Tôi có vinh dự được ở VN đúng vào thời điểm VN chuyển từ nước thu nhập thấp thành thu nhập trung bình. Sự chuyển biến đó một mặt khiến người dân đặt kỳ vọng cao hơn vào chính quyền, đòi hỏi những dịch vụ công tốt hơn, và thách thức của nhà nước là phải đáp ứng tốt hơn những nhu cầu này.
Trong đó, những "tập quán không chính thức" có thể đem lại nhiều quan sát hay. Ví dụ trong phòng chống tham nhũng, các "tập quán không chính thức" có thể coi là "cái phanh", tạo nên sự bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ công. Nhưng những điều đó không thể thay đổi sau một đêm. Các "chuyên gia Tây" đôi khi ngây thơ, trong khi chính quyền dường như biết rõ hơn những điểu có thể đạt được trong thực tế.
Các "chuyên gia Tây" đôi khi ngây thơ với thực tế ở VN, vậy thì làm thế nào để VN không phải phụ thuộc quá nhiều vào các "chuyên gia Tây" mà vẫn cải cách hành chính và chống tham nhũng hiệu quả?
Đây là những vấn đề không có kết thúc, ngay cả các nước phát triển cũng không ngừng học tập từ quốc gia khác. Tôi có thể đem lại cho các bạn góc nhìn quốc tế nhưng luôn phải cố gắng để đưa lại gần với bối cảnh VN. Kể cả ở đây đã 7 năm, có những điều mà "chuyên gia Tây" vẫn không thể hiểu được.
VN đang ngày càng có nhiều chuyên
gia trong nước, có kỹ năng, kiến thức, hiểu hơn về tình hình thực tế ở VN và
truyền đạt hiệu quả hơn đến công chúng VN. Theo tôi, trong tương lai, cần có sự
kết hợp.
Việc mà chúng tôi làm là cổ vũ cho những nguyên tắc và giá trị phổ quát của LHQ, trong đó có những nguyên tắc và giá trị liên quan đến chống tham nhũng và hành chính công. Một trong những điều mà chúng tôi luôn nhấn mạnh, là sự bình đẳng về cơ hội cho mọi người VN.
Ông Jairo Acuna-Alfaro: Khi PAPI khởi động, người ta bảo "điên". Ảnh: Minh Thăng |
VN có thể xuất khẩu kinh nghiệm tốt
Một trong những dự án "đình đám" tư vấn cho Chính phủ về cải cách hành chính mà ông gắn bó khá dài hơi là đánh giá chỉ số hiệu quả hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Ông rời đi, mục tiêu PAPI đã đi đến được chặng đường nào?
PAPI chính là kết quả của việc
người dân có kỳ vọng lớn hơn, đòi hỏi nhiều hơn từ chính quyền khi VN trở thành
nước thu nhập trung bình.
Khi chúng tôi khởi động PAPI, người ta bảo thế là "điên", không làm được đâu
hoặc không cần thiết, nhưng chúng tôi vẫn làm. Vì nguyên tắc và giá trị của LHQ
là tiếng nói của người dân. Chúng tôi không thể giúp VN phát triển mà không cần
hiểu người dân có những kỳ vọng như thế nào. Theo tôi, vì thế mà PAPI dần được
chấp nhận.
Tôi không nói PAPI là câu trả lời cho mọi vấn đề, nhưng nó là một công cụ hỗ trợ, cung cấp những thông tin mới mà trước đó chưa có, để dựa vào đó thảo luận, tranh luận. Nó cũng góp phần cải tiến cả công cụ khác, ví dụ sự ra đời của chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của Bộ Nội vụ, như một công cụ đo lường từ góc độ nhà nước.
Chính đề án 30 của Chính phủ cũng đặt mục tiêu nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với nền hành chính, nhưng đặt ra mục tiêu mà không dựa trên khảo sát thực tiễn là cách làm cũ rồi. Giờ đây, khi nói đến cải cách hành chính ở VN, vấn đề không còn là sự tiếp cận nữa, mà là chất lượng dịch vụ. Đã có một cửa rồi, nhưng bên trong đó phục vụ thế nào. Đó chính là những thông tin mà PAPI muốn tìm hiểu và đưa đến cho các nhà hoạch định chính sách để họ biết cần phải tập trung cải thiện chỗ nào.
Đến nay, VN không chỉ học tập kinh nghiệm nước ngoài mà còn có thể "xuất khẩu" những kinh nghiệm tốt, trong đó có PAPI.
Chung Hoàng