Thầy luôn mặc đồ âu và đội mũ bê-rê, để ria con kiến, dáng người nho nhã, phong thái rất hiền hòa. 

Và điều lũ sinh viên chúng tôi đặc biệt thích là thầy không bao giờ điểm danh, dù môn Công nghệ xây dựng, Tổ chức thi công xây dựng của thầy là môn chính.

Lên lớp thầy không cầm thứ gì ngoài viên phấn. Lúc nào cũng khoe phấn bạn ở Mỹ về cho, viết cả tháng không hết, viết không có bụi, phấn nhét trong túi áo vest tối màu không bị bẩn (nói rồi thầy lấy phấn mài mài vào áo để chứng minh). Tôi để ý cả năm thấy chỉ mỗi viên phấn đó.

Vào lớp thầy miệng nói, tay vẽ và không bao giờ nhìn xem lớp có bao nhiêu sinh viên. 

Thầy không hề cầm theo giáo trình giáo án, “cặp kiếc” này nọ, hay đưa sách “tây” sách “ta” ra dọa học trò như nhiều giáo viên khác, dù sau này tôi biết thầy giỏi cả Tiếng Anh và Tiếng Nga. Tiếng Pháp thầy biết một ít.

Thầy hiện là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

Món “mật mã” cải tử hoàn sinh

Giờ của thầy luôn liên tục 3 tiết một. Tùy hứng, tùy hôm, cứ hết một tiết hoặc trời mưa phùn hoặc thầy thấy học trò có vẻ mệt mỏi, thầy lại bày ra món mật mã.

Món mật mã của thầy đa phần là các câu chuyện liên quan đến tình ái, trong tình ái của thầy đa phần là thơ, trong thơ của thầy đa phần là thơ tình. Trong thơ tình đa phần là 5, 6 chữ một dòng, kiểu vẽ tiến độ thi công (chắc do ảnh hưởng của nghề nghiệp). 

Như bao người ngoại đạo khác, thơ thầy viết không phải là hay lắm, nhưng nó đặc biệt vì có hồn, có trải nghiệm và rất có phong vị với hình ảnh đẹp và góc nhìn ấm áp. Thi thoảng thầy đọc thơ của người khác, đa phần là của Phạm Duy, một chút của Hoàng Cầm và một ít thơ ngoại.

Món “mật mã” này nó hay ở chỗ, vừa giúp cho học trò xả stress, chống đói, chống mất tập trung, chống quá tải, nhưng đặc biệt hơn cả là nó có công năng cứu giúp những sinh viên thi trượt. 

Thầy nói “cậu nào đi học, nghe thơ tôi, khi thi không làm được bài, vấn đáp hay bảo vệ đồ án môn học không trả lời được thì đọc nó ra, các cậu sẽ sống, chí ít là không liệt!”

Lớp tôi thuộc dạng “đúp” tứ bề, nên thành phần bỏ học rất nhiều, riêng môn thầy không thấy ai bỏ. Tôi chẳng đi học môn nào, riêng môn thầy đi rất chăm. Tất nhiên thầy dạy cuốn hút và đầy cảm hứng, nhưng có lẽ cái lôi cuốn bọn trẻ tuổi đôi mươi nhất là món tình ái trong các câu chuyện.

Tôi nhớ khi bảo vệ đồ án môn học, khóa tôi ai cũng qua, thi không có ai trượt. Đây là kết quả rất hiếm gặp với môn học này, ở thời đó, khi mà cả lớp qua 2/3 đã được coi là quá xuất sắc. Cũng không ai trong chúng tôi phải dùng đến “mật mã cải tử hoàn sinh” của thầy. 

Riêng tôi vì tính “cà chớn” và vì rất thích câu chuyện kể của thầy về cỏ ở Moscow sau mùa tuyết nên đã ghi “mật mã” của thầy vào bài thi và “cà chớn mặc cả”: “em ghi vì em thích chứ em cũng không thích điểm cho của thầy!”.

Sau thầy bảo, “riêng cậu bị trừ 30% tổng số điểm, không phải vì chê điểm tôi, mà vì tôi phá vỡ cam kết hợp đồng. Hợp đồng giữa tôi và các cậu là hợp đồng tặng điểm, nếu các cậu phản đối, phải phản đối từ đầu, có sửa đổi, phải sửa đổi từ đầu, không sửa coi như thống nhất. Nên bị trừ 30% điểm là tôi châm chước lắm rồi, tôi cũng giữ nguyên lời hứa, tặng cậu 1 điểm mật mã, coi như tránh cho cậu bị liệt như đã cam kết!”.

“Sau này ra trường đi làm cậu hãy nhớ, hợp đồng luôn là thứ tối cần thiết và quan trọng nhất phải lưu ý. Tránh nghe thơ tình nhiều mà tùy hứng, bừa bãi như thơ tình. Và bỏ đi ý nghĩ ngây thơ kiểu mình ghi vào đó được câu người ta thích mà người ta cho thêm!”.

Thầy là PGS.TS Trịnh Quốc Thắng, nguyên giảng viên Bộ môn Công nghệ và Tổ chức xây dựng, trường Đại học Xây dựng. Nhắc tới ông, học trò và giảng viên hay dùng cụm từ "Thầy Thắng triết thuyết". PGS Trịnh Quốc Thắng chia sẻ rằng: "cụm từ đó không có ý nặng về tư tưởng lý thuyết một cách cực đoan mà là đưa ra quan điểm phù hợp với thực tế để định hướng nghiên cứu và làm việc”.

Dũng Lê

Trong giáo dục có 1 mệnh đề «Muốn có học trò giỏi thì cần có giáo viên giỏi». 

Nhưng định nghĩa thế nào là một giáo viên giỏi thì mỗi thời sẽ có những chuẩn khác nhau làm thước đo đánh giá. 

Nếu như với giáo dục truyền thống, người thầy giữ vị trí trung tâm, là chân lý thì theo quan điểm giáo dục hiện đại, người thầy đóng vai trò là một mentor – người định hướng, người truyền cảm hứng. 

Trong thời đại 4.0, khi tất cả kiến thức đều dễ dàng tìm thấy, tiếp cận chỉ qua đôi ba dòng lệnh, thì vai trò của người thầy cũng có những thay đổi rất đáng kể. Việc đánh giá, nhìn nhận thế nào là một giáo viên giỏi cũng do đó mà thay đổi theo. 

Để cùng trao đổi, thảo luận và nhìn nhận lại việc đánh giá một nhà giáo trong xã hội hiện đại, đặc biệt trong bối cảnh 4.0 có thay đổi gì so với thời đại trước, Ban Giáo dục báo điện tử VietNamNet mở diễn đàn: "Thế nào là một giáo viên giỏi?".

Ban đọc quan tâm xin gửi ý kiến về địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn.

Xin cảm ơn!