Ngày 25/1, Alone - MV sở hữu 810 triệu lượt xem của DJ Alan Walker đã bị đổi tên thành "Alan Walker - Một mình (Alone) - Các bạn qua kênh "*** Nhạc 8D" nghe nhạc nhé".
Mục đích của việc đổi tên này là nhằm quảng bá cho kênh YouTube cá nhân. Nhiều video khác trên kênh của Alan Walker cũng bị thay đổi tiêu đề trong phần bản dịch tiếng Việt.
Một số video trên kênh Alan Walker đã bị khóa bản dịch tiêu đề. Tuy vậy, những bản dịch này đều sai nghĩa. |
"Người này sử dụng lỗ hổng từ công cụ đóng góp bản dịch của YouTube để bổ sung bản dịch cho video trên. Thay vì dịch đúng nghĩa, họ lợi dụng cho mục đích cá nhân", Trần Hoàng Thiên, một người sở hữu hệ thống gồm nhiều kênh YouTube ngụ TP.HCM, nhận định.
Sau phản ảnh của Zing.vn, cộng đồng đóng góp bản dịch tại Việt Nam đã chỉnh sửa lại tiêu đề và phần mô tả của các MV trên.
Tuy vậy, những ngày sau đó, nhiều video khác đã bị đổi tiêu đề thành đủ loại nội dung từ liên kết Facebook, quảng cáo bán hàng, kênh YouTube cá nhân. Thậm chí, một số video bị đổi tiêu đề thành "Anh XXX đẹp trai quá".
Theo chính sách của Google, một số kênh YouTube cho phép người dùng đóng góp tiêu đề, thông tin mô tả và phụ đề cho video của họ theo ngôn ngữ bản địa. Sau khi chủ sở hữu video phê duyệt, tác giả bản dịch sẽ được ghi nhận đã đóng góp cho phụ đề.
Do nhận được quá nhiều đóng góp cho bản dịch tiếng Việt, kênh Alan Walker đã khóa phần dịch tiêu đề của một số video. Trớ trêu, bản dịch cuối cùng lại là "https://www.facebook.com/profile.php?id=xxxxx", link Facebook của một người nào đó.
"Bản dịch chỉ hiển thị với người dùng đến từ Việt Nam hoặc sử dụng tiếng Việt làm ngôn ngữ mặc định trên YouTube. Vì vậy, người ảnh hưởng trực tiếp không ai khác là người dùng Việt Nam", ông Hoàng Thiên nói thêm.
Hiện người dùng YouTube không thể phân biệt video trên kênh của Alan Walker. Tổng cộng 15 MV của DJ này bị người Việt phá hoại. |
Hiện người dùng truy cập những video trên kênh của Alan Walker và một số kênh khác không còn nhận ra đâu là tên bài hát gốc. Giải pháp tạm thời là chuyển ngôn ngữ YouTube sang tiếng Anh để có thể thấy chính xác tên video.
"Bây giờ tôi chỉ có thể nhìn hình đoán bài hát bởi tất cả tiêu đề video đều đã bị thay đổi", Quốc Hưng, người dùng YouTube ngụ quận 3, TP.HCM chia sẻ.
Đây không phải lần đầu các tính năng đóng góp bị cộng đồng mạng Việt Nam lạm dụng.
Năm 2016, người chơi Pokemon Go trong nước đã tạo nhiều địa điểm ảo hoặc vị trí mới nhằm tăng số lượng PokeStop - khu vực người chơi nhận các vật phẩm miễn phí nhưng cần thiết, như bóng Pokeball, các loại đá hồi phục sức lực cho Pokemon…
Thậm chí, có một số người còn đặt lại tên cho địa điểm, tạo địa điểm giả mạo và “dời” nhiều địa danh từ nơi này qua nơi khác.