Người Việt thích "cảm giác lái" của xe điện nhất
Trong Hội thảo "Giải pháp xanh giảm phát thải trong ngành ô tô hướng tới trung hoà carbon” được tổ chức mới đây tại Hà Nội, đại diện Deloitte - công ty chuyên nghiên cứu và đưa ra giải pháp toàn cầu đã công bố nghiên cứu của mình về ý kiến và nhu cầu của khách hàng đối với các loại xe điện hoá (xEV).
Nghiên cứu được thực hiện trên nhiều quốc gia trong nửa đầu năm 2023, gồm cả Việt Nam, tập trung vào khảo sát ý kiến khách hàng về những lý do chính lựa chọn xe điện là phương tiện của mình trong tương lai, với 9 nội dung được liệt kê sẵn. Người được hỏi sẽ đánh số thứ tự mức độ quan tâm của mình từ 1-9.
9 nội dung kể trên bao gồm: Chi phí nhiên liệu thấp hơn, trải nghiệm lái xe tốt hơn, mối quan tâm đến biến đổi khí hậu, giảm thiểu việc bảo trì phương tiện, các chương trình ưu đãi của Chính phủ, khả năng áp dụng thêm thuế cho xe động cơ đốt trong, mối quan tâm đến sức khoẻ cá nhân, khả năng sử dụng xe làm nguồn điện dự phòng và áp lực từ cộng đồng.
Kết quả cho thấy, khách hàng Việt Nam khi được hỏi về lý do lựa chọn xe điện là phương tiện sử dụng của mình trong tương lai đã có thứ tự quan tâm như sau: 1- Trải nghiệm lái xe tốt hơn; 2- Quan tâm tới sức khoẻ cá nhân; 3- Giảm chi phí nhiên liệu; 4- Quan tâm tới biến đổi khí hậu; 5- Ưu đãi của Chính phủ.
Điều này cho thấy, yếu tố khiến nhiều khách Việt "hào hứng" nhất đối với xe điện không phải là môi trường, biến đổi khí hậu hay áp lực từ cộng đồng,... mà liên quan chủ yếu đến trải nghiệm lái xe điện tốt hơn đối với xe sử dụng động cơ đốt trong truyền thống. Tiếp đến là các lý do "chính đáng" khác như quan tâm đến sức khoẻ bản thân và tiết kiệm chi phí nhiên liệu.
Theo nghiên cứu của Deloitte trên nhiều khu vực, quốc gia, lý do để "tậu" một chiếc xe điện có khá nhiều sự khác biệt.
Trong khi đa số khách hàng ở Mỹ, Đức, Nhật Bản, Đông Nam Á và Nhật Bản lựa chọn ưu tiên số 1 của mình là "chi phí nhiên liệu thấp hơn", thì khách hàng Trung Quốc và Việt Nam lại ưu tiên nhiều nhất đến trải nghiệm lái. Yếu tố tiết kiệm chi phí nhiên liệu khi sử dụng xe điện đối với khách hàng ở Trung Quốc và Việt Nam chỉ xếp thứ 2 và 3.
Người Việt rất quan tâm đến sức khoẻ cá nhân và gia đình khi lựa chọn mua xe điện (thứ tự ưu tiên số 2), nhưng yếu tố này dường như không được khách hàng các nước trên thế giới quá đề cao, chỉ xếp hạng ưu tiên từ thứ 4-8.
Đáng chú ý, yếu tố quan tâm đến môi trường và biến đổi khí hậu giữa các nước rất khác nhau. Nếu như ở Đức, đây chính là mối quan tâm lớn thứ 2 của người dân thì ở các nước châu Á, có vẻ như biến đổi khí hậu vẫn còn là vấn đề xa vời khi khách hàng Trung Quốc chỉ xếp yếu tố này ở vị trí thứ 8 (áp chót), còn Nhật Bản là thứ 7.
Tại Nhật Bản và Trung Quốc, tỷ lệ khách chọn mua xe điện nhiều hơn xe xăng/dầu
Cũng theo nghiên cứu của Deloitte, dù xe điện là xu hướng tất yếu nhưng nhu cầu "tậu" xe điện cho lần mua tiếp theo của khách hàng tại các thị trường các nước trên thế giới lại rất khác nhau.
Khách hàng Mỹ tỏ ra "cứng đầu" nhất khi 62% người được hỏi cho rằng mình vẫn mua một chiếc xe xăng/dầu cho lần mua xe tiếp theo chứ không phải là ô tô điện, trong khi tỷ lệ này ở Nhật Bản chỉ là 36% còn Trung Quốc là 45%.
Với các loại ô tô điện khác nhau bao gồm xe hybrid (HEV), xe hybrid sạc ngoài (PHEV), xe thuần điện (BEV) và các loại xe sử dụng năng lượng mới khác cũng có sự lựa chọn rất riêng biệt. Trong đó, nhu cầu mua một chiếc sử công nghệ động cơ hybrid - HEV ở đa số các quốc gia cao hơn hẳn so với các loại xe điện còn lại.
Người Nhật tỏ ra "thích" xe hybrid nhất khi có đến 36% lựa chọn 1 chiếc HEV cho lần mua xe tiếp theo, với các dòng PHEV và BEV lần lượt là 12% và 13%. Trong khi đó tại Trung Quốc, tỷ lệ lựa chọn xe thuần điện BEV lại là cao nhất với 27%, cao hơn cả 2 loại HEV và PHEV cộng lại.
Các chuyên gia của Deloitte đánh giá, việc chuyển sang sử dụng các loại xe điện và năng lượng sạch là bước đi tất yếu nhằm thực hiện cam kết về môi trường tại Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu toàn cầu COP26, theo đó các quốc gia sẽ đạt mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050.
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, việc kiểm soát khí thải gây hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu không nên chỉ tập trung vào "ống xả" của các phương tiện giao thông mà cần phải nhìn rộng ra nhiều vấn đề khác trong quy trình sản xuất ra 1 chiếc xe, từ nguồn cung nguyên liệu, vật liệu sản xuất, quá trình sử dụng và phát thải trong vòng đời đến khi thải bỏ hoàn toàn phương tiện đó.
Hoàng Hiệp
Bạn có góc nhìn nào về nội dung trên? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận. Mời bạn đọc cộng tác, gửi tin bài về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!