Bà Tenzin Dolma Norbhu, Giám đốc Chính sách khu vực Châu Á TBD Facebook (áo xám) trong phần tọa đàm tại VOBF 2019. |
Đây là các thông tin được bà Tenzin Dolma Norbhu, Giám đốc Chính sách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Facebook chia sẻ tại Diễn đàn VOBF 2019 vừa chính thức khai mạc sáng nay (26/3) tại Hà Nội.
Bà Tenzin Dolma Norbhu cho biết, các ứng dụng công nghệ tương tác đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Các ứng dụng mang tính tương tác cao tại Việt Nam có thể kể đến như Zalo, Facebook, Grab…
Theo con số được bà Tenzin Dolma Norbhu chia sẻ, tính đến hết 12/2017, kinh tế ứng dụng (nền kinh tế sử dụng các ứng dụng di động) đã mang đến 42.500 việc làm tại Việt Nam. Đặc điểm nổi bật của các ứng dụng này là sự tương tác mạnh với khách hàng và hoàn toàn khác biệt với các dịch vụ truyền thống vốn bị hạn chế bởi cách thức.
Bà Tenzin Dolma Norbhu cũng cho biết cùng với việc phát triển của Internet băng rộng thì việc sử dụng các ứng dụng tương tác mạnh ngày càng phổ biến. Việt Nam là quốc gia cao thứ 2 trong khu vực (chỉ sau Ấn Độ) về sự phổ biến của các ứng dụng tương tác khi có khoảng 70% người sử dụng Internet ở Việt Nam đang sử dụng ít nhất 1 ứng dụng tương tác cao.
Các ứng dụng công nghệ ngày càng phổ biến hơn và đóng vai trò quan trọng đặc biệt đối với nền kinh tế Việt Nam. Cụ thể, các ứng dụng tương tác mạnh đã tạo nên tổng thặng dư tiêu dùng khoảng 6,4 tỷ USD ở thị trường Việt Nam trong năm 2018. Nghiên cứu này cho thấy thặng dư trên mỗi người sử dụng đạt 145 USD/người/năm và thặng dư bình quân đầu người tại Việt Nam là 67 USD/người/năm.
Một điều thú vị được bà Tenzin Dolma Norbhu chia sẻ, Việt Nam được xem là một quốc gia hàng đầu trong việc tạo ra các ứng dụng tương tác mạnh. Trong đó phải kể đến các ứng dụng như Zalo, BeeTalk, Mocha hay mạng xã hội việc làm Vietnamworks,…
Có khoảng 50% dân số thành thị tại Việt Nam đang mua hàng thông qua truyền thông và các mạng xã hội. Bà này cũng nhắc đến Zalo Facebook và Viber đóng vai trò quan trọng đối với thương mại trên mạng xã hội ở Việt Nam.
Toàn cảnh VOBF 2019 |
Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2019, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT & Kinh tế số cho biết năm 2018 được coi là năm sôi động nhất của kinh doanh trực tuyến với tốc độ tăng trưởng đạt trên 30%.
Với điểm xuất phát thấp khoảng 4 tỷ USD vào năm 2015 nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng trung bình trong 3 năm liên tiếp cao nên quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2018 lên tới khoảng 7,8 tỷ USD. Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020 quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD. Quy mô này sẽ cao hơn mục tiêu nêu trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 – 2020, theo mục tiêu này thì quy mô thương mại điện tử bán lẻ (B2C) đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.
VOBF năm nay quy tụ được nhiều diễn giả từ các tổ chức hàng đầu trong nước và trên thế giới tham dự như: Cục TMĐT và Kinh tế số, Facebook, Tiktok, Sapo, Interspace, Lazada, Mắt Bão, Fado, Netco, Netnam, PA Việt Nam, Shopee, Vietguys, Vinalink, IMGroup, Zalo – VNG, VNPost, Nielsen, Grab, Haravan, EMS, Nhân Hòa, VNNIC…
Các diễn giả tại đây tập trung thảo luận 4 chủ đề lớn. Trong đó, chủ đề “Bùng nổ mua sắm online” sẽ tập trung thảo luận về xu hướng thị trường thương mại điện tử sẽ mở rộng mạnh mẽ; chủ đề “Thời gian là Vàng” bàn về các giải pháp và dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử trong thời đại nhiều người tiêu dùng mong muốn nhận được sản phẩm đặt mua trực tuyến trong thời gian tính bằng giờ; chủ đề “Sự nổi lên của trí tuệ nhân tạo - AI” là cơ hội để trao đổi về tác động của công nghệ tới mọi doanh nghiệp, bao gồm trí tuệ nhân tạo; và chủ đề “Vốn hay Ý tưởng” sẽ giúp các nhà khởi nghiệp kinh doanh trực tuyến định hướng được đâu là yếu tố quyết định trong cuộc phiêu lưu vào cuộc chơi nhiều rủi ro nhưng cũng đầy cơ hội.
Đáng chú ý, trong khuôn khổ Diễn đàn VOBF 2019, VECOM sẽ công bố Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam – EBI 2019. Sau 8 năm liên tiếp, EBI đã trở thành nguồn thông tin tin cậy phản ảnh tình hình hiện tại, những vấn đề nổi bật và xu hướng phát triển của thương mại điện tử cả nước cũng như từng địa phương, góp phần vào việc xây dựng chính sách, pháp luật, quản lý nhà nước và hoạt động kinh doanh.