Cần phải biết xấu hổ cho một nền giáo dục (GD) còn yếu và… khó phát triển.
Cơn sốt Harvard và sự truân chuyên của giáo dục Việt Nam
Những quốc gia và vùng lãnh thổ phát triển tại Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, hay cả Trung Quốc Đại lục đã tự mình xây dựng được cho họ một nền giáo dục tiên tiến, đáp ứng được nhu cầu về đòi hỏi nhân lực cho xã hội và có những đóng góp không nhỏ cho sự lớn mạnh của quốc gia.
Giáo dục yếu kém đã khiến những người tài giỏi ra đi
Như bài học của Đài Loan, một hòn đảo nhỏ với 23 triệu dân, sinh viên của họ ngày hôm nay có nhiều lựa chọn hơn, họ không cần thiết phải tìm đường du học bằng mọi cách, khi tự thân bản thân họ đã xây dựng được những ngôi trường rất tốt, đạt đẳng cấp quốc tế cho người dân của mình. Đối với người Đài Loan, việc tốt nghiệp từ những trường tốt nhất của họ cũng không thua kém mấy so với những trường danh tiếng của phương Tây. Những tổng thống do dân bầu gần đây nhất của Đài Loan như Lý Đăng Huy, Trần Thủy Biển, Mã Anh Cửu, Thái Anh Văn đều là cựu sinh viên của ĐH Quốc gia Đài Loan.
Sự cất cánh của nền công nghiệp bán dẫn và vi mạch của Đài Loan, sự thành công của khu công nghệ cao Tân Trúc, có đóng góp rất to lớn từ những sinh viên do ĐH Quốc gia Thanh Hoa và ĐH Quốc gia Giao Thông đào tạo nên. Những người làm GD của Đài Loan đã tự đặt mình ở một tiêu chuẩn rất cao so với thế giới khi hoạch định chiến lược cho nền GD ở đây. Ngân sách chi cho GD và nghiên cứu khoa học của Đài Loan luôn chiếm phần lớn tổng chi ngân sách. Những khoản chi tiêu đều phải hợp lý, công khai và chịu trách nhiệm kiểm tra giải trình, vì vậy có rất ít tham nhũng.
Giáo dục vẫn chưa xây dựng được những trưởng đẳng cấp bằng nguồn nội lực? Ảnh minh họa: dantri |
Nhìn vào nền GD Việt Nam, chúng ta phải đau xót khi nhận thấy rằng GD đã chưa xây dựng được cho mình những trường ĐH đẳng cấp, tinh hoa theo đúng nghĩa của nó và bằng nguồn nội lực quốc gia. Tại sao những người thông minh, sáng dạ nhất của đất nước phải để cho phương Tây đào tạo dùm? Và bao nhiêu phần trăm trong số những nhân tài kia sẽ quay trở lại đóng góp cho sự phát triển đất nước? Những quốc gia nhỏ và ít dân như Singapore có thể tự làm được bằng nỗ lực của chính họ, vậy tại sao GD Việt Nam không thể làm được điều tương tự?
Hiện nay, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Hoa Kỳ và có thể là cả Anh quốc đã và đang xúc tiến cam kết hợp tác đầu tư xây dựng những trường ĐH và trung tâm nghiên cứu khoa học uy tín cho Việt Nam.
Thoạt nghe thì thấy vinh dự tự hào, nhưng đúng ra thì cần phải cảm thấy xấu hổ. Đội ngũ trí thức chất xám Việt Nam (hoặc gốc Việt) tại nước ngoài rất đông đảo mà nếu khéo khai thác, đất nước có thể sẽ không mất quá nhiều thời gian để xây dựng một nền GD “tử tế”, có chất lượng, nhưng tại sao không làm được? Tại sao Khoa Quốc tế của ĐH Quốc gia Hà Nội, một tên tuổi danh giá và đại diện cho bộ mặt của cả quốc gia, lại có những chương trình liên kết cấp bằng với những cái tên không mấy làm “xứng tầm” như ĐH Troy (Hoa Kỳ), ĐH Keuka (Hoa Kỳ), vv..
Những tấm bằng danh giá có quan trọng?
Nhìn sang nước Nhật, nơi chúng ta luôn kính nể và mong ước học được nhiều điều từ họ. Họ không cần phải cử quá nhiều sinh viên giỏi đi học tại những trường danh tiếng nhất thế giới như Harvard hay Ox- Bridge (Oxford và Cambridge), vì đối với họ những tấm bằng danh giá ấy không quan trọng. Người Nhật hoàn toàn tự tin rằng các ĐH Tokyo, Kyoto, Keio, Waseda, Hitotsubashi… của họ đã đạt đẳng cấp ngang bằng và có thể cạnh tranh với phương Tây.
Thay vào đó, các trường dạy nghề, kĩ thuật, nghệ thuật, tư tưởng và nhân văn của phương Tây thì lại rất nhiều sinh viên Nhật. Điều mà họ coi trọng là trải nghiệm khai phá những điều mới lạ. Công chúa Hoàng gia Nhật Mako, có thời gian du học hơn 01 năm ở Anh, nhưng chỉ là để trải nghiệm và cô hòa nhập vào cuộc sống ở ký túc xá một cách bình dị. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng đã từng đi du học Mỹ, tại ĐH University of Southern California và bỏ học giữa chừng, nhưng điều đó không hề có ảnh hưởng gì tới sự nghiệp của ông sau này. Người Nhật rất thích đi du lịch châu Âu: Ý, Pháp, Đức và những vùng đất lạ để tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, làm phong phú thêm hiểu biết của họ và có thể đóng góp cho văn hóa của nước Nhật. Trong những chuyến du lịch châu Âu, chúng ta có thể chứng kiến người Nhật được dân phương Tây kính nể đến thế nào.
Người viết có một người bạn học là người Nhật, có cha làm việc cho Toyota, từ nhỏ đã theo cha đi khắp thế giới, thậm chí còn không hề lớn lên ở nước Nhật, nhưng anh ta vẫn thành thạo tiếng Nhật hơn các ngôn ngữ khác, khi ghi chép bài giảng của giáo sư ngoại quốc, anh ta luôn dùng tiếng Nhật. Anh kể rằng tới tuổi vào ĐH, cha anh ta gửi anh về lại Nhật để học ngành lịch sử tại ĐH Waseda. Mỗi lần trao đổi chia sẻ với người viết, anh luôn hứng thú với những kiến thức về Việt Nam, luôn ghi chép lại một cách cẩn thận để nhớ.
Trong một lần nói chuyện, người bạn đó cho biết đã lên gặp vị giáo sư và thư kí của khoa, xin được phép trả lại tiền học bổng đã nhận, vì anh ta đang có ý định theo cha sang Úc hay Brazil làm việc, rất có thể anh không thể hoàn thành chương trình học tới lúc nhận bằng. Vì vậy anh xin được phép trả lại tiền. Một dân tộc có tinh thần tự tôn và cầu học như người Nhật, nếu không phải là một dân tộc lớn, một dân tộc thượng đẳng thì mới là điều lạ.
Còn người Việt chúng ta? Có lẽ không nên quá tự hào, kiêu hãnh về việc học Harvard, mà ngược lại, phải coi đó là một nỗi xấu hổ. Nỗi xấu hổ cho một nền GD còn yếu và… khó phát triển.
Hải Đăng- Sông Hàn
Cơn sốt Harvard và sự truân chuyên của giáo dục Việt Nam
Fulbright: Quá khứ không thể quên, nhưng hãy sống cho hiện tại