Sau khi Quốc hội Crưm bỏ phiếu về việc sáp nhập Liên bang Nga với tư cách là một chủ thể mới và lên lịch cho việc trưng cầu dân ý vào ngày 16/3, các chuyên gia Nga và nước ngoài dấy lên hồi chuông cảnh báo về căng thẳng chính trị leo thang trong khu vực. 

TIN BÀI LIÊN QUAN

{keywords}
Binh sĩ mặc quân phục không mang phù hiệu, được cho là lính Nga tại Crưm. Ảnh: AP
Tờ Gazeta dẫn ra ngày càng có nhiều quan điểm thống nhất rằng cuộc khủng hoảng tại Crưm có thể dẫn tới một cuộc Chiến tranh Lạnh nếu như không có một nhượng bộ được đưa ra. 

Tất cả những gì đang diễn ra tại Crưm đều mang tính chất biểu tượng, gây tranh cãi và thậm chí là điềm gở trong năm 2014 này. Đây là năm kỷ niệm 25 năm bức tường Berlin sụp đổ, 75 năm bùng nổ Thế chiến II, và 100 năm bùng nổ Thế chiến I. 

Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến một cuộc Chiến tranh Lạnh mới lại rất mâu thuẫn giữa các nhà phân tích.

Theo ông Piotr Kościński – người đứng đầu chương trình Phương Đông tại Học viện Quan hệ Quốc tế Ba Lan, bất kỳ nỗ lực nào của Nga nhằm ‘thôn tính Crưm bằng vũ lực’ đều ‘không thể chấp nhận được trong cộng đồng quốc tế’ và thực tế, là có thể dẫn tới một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Ngược lại, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Công Vladimir Evseev lại cho rằng chính sự ‘thiển cận về chính trị’ của phương Tây mới có thể gây nên Chiến tranh Lạnh.

“Điều kiện tiên quyết của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới không phải là việc Crưm trưng cầu dân ý, mà chính là quan điểm của phương Tây – rất thiển cận về mặt chính trị và vô cùng phiến diện” – ông Evseev nhận định.

Ông này cũng chỉ ra rằng phương Tây đang bằng mọi cách gây sức ép lên Nga và ‘sẵn sàng gây nên tình trạng bất ổn trên toàn lãnh thổ Ukraina’.

{keywords}

Binh sĩ mặc quân phục không mang phù hiệu, được cho là lính Nga tại Crưm. Business Insider cho hay hiện có khoảng 20.000 binh sĩ Nga tại cộng hòa tự trị Crưm. Theo thỏa thuận giữa Moscow và Kiev trước kia, Nga được đồn trú tại Crưm 25.000 quân.

Crưm trưng cầu dân ý có hợp pháp?

Kościński không thấy có lý do gì để Crưm ly khai khỏi Ukraina, ‘bởi vì quyền lợi của người dân Nga đang sinh sống ở bán đảo này tuyệt đối không bị đe dọa’.

Nhà nghiên cứu này cho rằng các binh sĩ được cho là lính Nga đang triển khai tại Crưm, không chỉ ở các căn cứ quân sự Nga, mà còn quanh các tòa nhà chính quyền địa phương, sân bay Simferopol và các căn cứ quân sự Ukraina.

“Do đó, Nga hoàn toàn có thể bị cáo buộc là chính họ đã chỉ đạo toàn bộ sáng kiến trưng cầu dân ý này” – Kościński nói. “Và trên thực tế, Nga cũng có thể thôn tính Crưm bằng vũ lực”.

Còn Evseev lập luận rằng việc trưng cầu sắp tới tại Crưm thậm chí còn hợp pháp hơn cả những hành động gần đây của các nhà chức trách Ukraina tại Kiev, vì họ đã sử dụng vũ lực để đoạt quyền.

Theo ông Evseev, các nhà cầm quyền lâm thời tại Kiev hiện nay ‘bày tỏ quyền lợi không phải của toàn bộ đất nước Ukraina, mà chỉ là khu vực phía Tây của đất nước này’.

“Crưm có quyền lên tiếng về quan điểm và quyết định của họ về việc liệu họ có muốn là một phần của Ukraina nữa hay là muốn sáp nhập vào Nga. Và các nhà chức trách nhiện nay đang tìm cách ngăn cản nguyện vọng của công dân nước họ, họ chẳng có bất kỳ cơ sở nào để ngăn cản cuộc trưng cầu dân ý này”.

Lê Thu