- Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN Hồ Quang Lợi chỉ ra có một số nhà báo viết báo theo kiểu ‘hai mặt’.

Tại họp báo triển khai học tập, quán triệt luật Báo chí 2016 và góp ý kiến xây dựng quy định đạo đức người làm báo VN chiều 23/5, báo VietNamNet đặt câu hỏi: “Hiện có một số cơ quan báo chí đưa ra quy định nội bộ về việc phát ngôn của nhà báo trên mạng xã hội. Trong quy định về đạo đức người làm báo VN sắp tới có đề cập đến vấn đề này?”.

{keywords}

Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN Hồ Quang Lợi

Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN Hồ Quang Lợi chỉ ra thực tế có một số nhà báo khi viết bài trên báo chí công khai ký tên mình thì viết khác nhưng viết trên mạng xã hội thì trái ngược với những gì viết trên báo.

“Một người mà có 2 loại ý kiến về 1 vấn đề nào đó là không ổn! Về mặt lương tâm không thể hai mặt, không thể hai con người được. Nhà báo viết, chiến đấu, bảo vệ một cái gì đó phải chính trực, không thể lúc thế này, lúc thế kia được”, ông Lợi nhấn mạnh.

Xong ông Lợi cho rằng, các cơ quan báo chí có quy định về việc nhà báo tham gia mạng xã hội phải phù hợp với luật, bởi các quy định dưới luật dù mang tính nội bộ phải phù hợp, không được vi phạm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận của công dân.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng báo chí TƯ, Cục Báo chí, Bộ TT&TT cho biết, khi thảo luận luật Báo chí có ý kiến đề nghị đưa việc phát ngôn của nhà báo trên mạng xã hội. Nhưng có ý kiến cho rằng nếu quy định như vậy sẽ vi phạm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân, trong đó có nhà báo.

Ông Hiếu cho rằng việc nhiều cơ quan báo chí có quy định riêng về phát ngôn của nhà báo trên mạng xã hội là quy định nội bộ. Nhà báo ký hợp đồng làm việc tại cơ quan báo chí đó cùng thỏa thuận để thực hiện các quy định trong nội bộ.

“Đây là đồng thuận thỏa ước lao động của nhà báo khi vào làm việc ở cơ quan báo chí. Nếu nhà báo cảm thấy không phù hợp thì nhà báo có thể không làm việc tại cơ quan báo chí đó nữa”, ông nói.

Vi phạm đạo đức tước thẻ nhà báo

Nhấn mạnh khuôn khổ hành lang pháp lý của luật Báo chí 2016 nhằm phục vụ tốt cho xã hội, đất nước, ông Lợi cho rằng, đây cũng chính là lẽ sống của người làm báo phải nắm để tránh những sai sót trong quá trình tác nghiệp..

Nói về quy định đạo đức nghề báo đang được Hội Nhà báo đưa ra lấy ý kiến, ông Lợi khẳng định, báo chí là hoạt động đặc biệt có tác động chi phối dư luận xã hội rất lớn. Nếu không coi trọng đạo đức nghề báo thì tác hại rất lớn.

Bên cạnh việc thực hiện đúng quy định pháp luật, nhà báo phải hướng tới xây dựng một xã hội nhân văn, trân trọng con người. Việc bảo đảm quyền thông tin của công dân là cần thiết nhưng phải đảm bảo giá trị nhân văn. Vấn đề đạo đức nghề nghiệp đã được luật hóa. Vì vậy, vi phạm đạo đức cũng có nghĩa là vi phạm pháp luật.

“Những ai vi phạm đạo đức nghề báo sẽ không được cấp thẻ. Những ai đã được cấp thẻ rồi mà vi phạm đạo đức thì bị tước thẻ”, ông Lợi nhấn mạnh.

Thu Hằng