Cuộc chuyển mình của thời đại
Thế giới đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng nhằm kiến tạo xã hội số. Tại Việt Nam, dự thảo Đề án Chuyển số quốc gia năm 2019 đã đưa ra ba giai đoạn chuyển đổi số nhằm hướng tới chuyển đổi số toàn diện với nền kinh tế, xã hội vận hành dựa trên công nghệ số, đổi mới và sáng tạo.
Hiện, cả nước có hơn 60 triệu người sử dụng internet (chiếm 2/3 dân số); khoảng 94% số người dùng internet hàng ngày. Trong tiến trình chuyển đổi số, internet đóng vai trò huyết mạch để duy trì, phát triển xã hội.
Năm 2019, rất nhiều doanh nghiệp công nghệ, hoạt động trong nhiều lĩnh vực với nhiều mô hình kinh doanh mới ra đời. Đây cũng là năm đánh dấu mốc quan trọng trong việc nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ 5G tại Việt Nam. 3 doanh nghiệp viễn thông lớn đã được cấp phép thử nghiệm công nghệ 5G, công nghệ này sẽ được thương mại hóa trong năm 2020. Đây là cơ sở để tạo nên một hạ tầng quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế số, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về tốc độ và quy mô kết nối.
Tại Việt Nam, Viettel là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên kết nối cuộc gọi trên mạng di động 5G (ngày 10/05/2019), đưa Việt Nam vào danh sách 4 quốc gia thử nghiệm 5G sớm nhất trên thế giới. 5G được nhà mạng này thử nghiệm thành công chỉ sau 3 tháng nhận được giấy phép nhưng trên thực tế, Viettel đã chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho sự thay đổi này từ rất sớm.
Về mặt hạ tầng truyền dẫn, công nghệ kết nối IoT trên nền 4G LTE-M và NB-IoT đã được Viettel triển khai và trở thành 1 trong 50 nhà mạng đầu tiên trên thế giới triển khai các công nghệ này. Viettel cũng xây dựng một đội ngũ an ninh mạng lớn nhất và tinh nhuệ nhất Việt Nam để bảo vệ sự an toàn của người dùng trên không gian mạng.
Tập đoàn này đã thực hiện ảo hóa các thiết bị mạng lõi, ảo hóa và triển khai công nghệ mạng điều khiển bằng phần mềm cho hạ tầng cố định, ảo hóa hạ tầng công nghệ thông tin và chuyển đổi tất cả các ứng dụng công nghệ thông tin lên nền tảng điện toán đám mây. Viettel cũng đã triển khai hệ thống mạng lưới phân phối nội dung CDN đến cấp tỉnh trên toàn mạng lưới sẵn sàng cho hạ tầng Mobile Edge Computing của công nghệ 5G.
Về hạ tầng dữ liệu, Viettel đã đầu tư các trung tâm dữ liệu tiên tiến nhất, đủ khả năng phục vụ cho hàng triệu khách hàng sử dụng dịch vụ IoT cùng lúc và đang tiếp tục lên kế hoạch để mở rộng thêm các trung tâm dữ liệu, đáp ứng nhu cầu bùng nổ về dịch vụ của IoT.
Thực tế cho thấy, tốc độ kết nối mạng di động 5G của Viettel đạt từ từ 1,5 - 1,7 Gb, tương đương với tốc độ của cáp quang thương mại. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có thể đi cùng với thế giới khi làm chủ và ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực viễn thông, tạo điều kiện cho các lĩnh vực công nghệ cao phát triển.
Nhà mạng tiên phong kiến tạo xã hội số
Được biết, đến nay Viettel đã phủ cáp quang đến 95% các xã tại Việt Nam và dựng 170.473 trạm phát sóng di động tại 11 quốc gia trên toàn cầu. Tập đoàn đã có 4 đường trục Bắc Nam, 1 đường trục Đông Dương và 6 hướng kết nối quốc tế cả trên biển lẫn đất liền với chiều dài 500.000 km cáp quang, đủ quấn 12 vòng quanh trái đất. Đây là hạ tầng, nền tảng quan trọng phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Tập đoàn Viettel đã thực hiện nhiều dự án phần mềm cho Chính phủ điện tử, như dự án cơ sở dữ liệu dân cư dựa trên thông tin chứng minh thư, thẻ căn cước, xây dựng hộ tịch điện tử. Trong lĩnh vực y tế, Viettel tham gia xây dựng hồ sơ sức khỏe người dân, cổng tiêm chủng quốc gia. Ở lĩnh vực giáo dục, nổi bật là chương trình internet trường học với 40.000 điểm trường và cơ sở giáo dục được cung cấp hạ tầng internet miễn phí…
Viettel cũng đã ký thỏa thuận hợp tác xây dựng thành phố thông minh với 23 tỉnh/thành trên cả nước. Mô hình trung tâm điều hành thông minh đã được thí điểm ở nhiều địa phương, giúp liên thông dữ liệu dân cư, hành chính công, giao thông, y tế, giáo dục… kết hợp với phân tích dữ liệu lớn.
Trong chiến lược giai đoạn 4, Viettel xác định đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0 cho nền kinh tế với vai trò dẫn dắt và lan tỏa cả về công nghệ, dịch vụ, mô hình kinh doanh, nghiên cứu sản xuất, sản phẩm tập trung vào nhiều dự án 4.0. Sứ mệnh giai đoạn phát triển tiếp theo của tập đoàn là “Kiến tạo xã hội số”.
Trước mắt, Viettel đầu tư để sớm nhất triển khai thương mại hóa công nghệ siêu băng rộng 5G, tạo ra hạ tầng kết nối IoT rộng khắp để kết nối hàng tỉ thiết bị, quản lý và điều khiển tự động với tốc độ siêu nhanh, không độ trễ. Cùng với đó, Viettel tiên phong phát triển và cung cấp các ứng dụng, dịch vụ số, gồm: Thanh toán số - Mobile money; nội dung số, nhất là là trong lĩnh vực giáo dục; thương mại điện tử; công cụ tìm kiếm và mạng xã hội. Với tiềm lực đã tích lũy, Viettel sẽ chủ động tham gia xây dựng Chính phủ điện tử, tập trung xây dựng các cở sở dữ liệu công dân, dữ liệu tài nguyên quốc gia.
Với vị thế và trách nhiệm dẫn dắt ngành viễn thông và CNTT của đất nước, Viettel sẽ trở thành điểm hội tụ và lan tỏa những sản phẩm ứng dụng công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu số lớn, Internet vạn vật đến mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, cung cấp những giải pháp mang giá trị toàn cầu, đưa Việt Nam đồng hành với thế giới trong cuộc cách mạng 4.0.
Ngọc Minh