- "Không viết về biển đảo là cái nợ của nhà thơ, lớn hơn nữa là cái nợ của thi ca... Thơ phải có ích cho đời..."

Cuộc vận động sáng tác thơ nhạc "Đây biển Việt Nam" do báo VietNamNet tổ chức, có một trường hợp đặc biệt. Bài thơ "Trường Sa sau đêm bão tình ca" của nhà thơ lão thành Trúc Chi dự thi ở hạng mục thơ, đồng thời  có ngay một ca khúc dự thi được phổ nhạc bởi nhạc sĩ Quỳnh Hợp. Phóng viên VietNamNet có cuộc trò chuyện với nhà thơ Trúc Chi.

Nhà thơ Trúc Chi tại nhà riêng ở TP.HCM. Ảnh: Võ Tiến

Thơ ca không nói về biển đảo là vô trách nhiệm

- Thưa nhà thơ Trúc Chi, ông đã sáng tác bài thơ "Trường Sa sau đêm bão tình ca", sau đó được nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc thành ca khúc khi nào và trong hoàn cảnh nào?

- Tôi viết bài thơ này cách đây mấy tháng, một cách tình cờ nhưng cũng là từ ý định xa xưa. Tôi từng đi dạy ở Hải Phòng, gắn bó nhiều với biển đảo, từng đặt chân đến đảo Cô Tô, Bạch Long Vỹ, Cát Bà. Quê hương tôi ở miền Trung cũng thuộc vùng biển. Tôi tự hỏi vì sao ở Hải Phòng mình viết được về biển đảo mà ở đây lại không nên rất khao khát sáng tác về đề tài này.

Một đêm nằm ở bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM, tôi trò chuyện với một cựu chiến binh, nghe ông kể về những tháng ngày nóng bỏng ở Trường Sa. Khi đó, bão đang rớt bên ngoài thành phố. Nhìn những ngọn đèn đỏ chập chờn giữa đêm giông bão trong khuôn viên bệnh viện, tôi bỗng hình dung về cơn bão ngoài đảo xa, dữ dội nhưng cũng đầy trữ tình, vậy là bật ra thơ.

- Sau bão, cây vẫn ra mầm, trái vẫn ra nụ, cây phong ba vẫn đứng, những con còng vẫn vo cát, hình ảnh ấy rất đẹp. Con người giữ biển thì đến con còng cũng vo từng viên cát cùng giữ đất đai quê hương. Chưa đến Trường Sa nhưng nhà thơ đã viết một bài thơ đầy cảm xúc. Nếu được đặt chân lên quần đảo thiêng liêng này, ông còn dự định gì lớn hơn?

Đưa khách ở đất liền từ tàu lớn vào thăm đảo Nam Yết. Ảnh: Võ Tiến

- Tôi ước ao được đi Trường Sa nhưng chưa có dịp. Nếu đến Trường Sa, tôi sẽ sống với lính đảo, viết cả một trường ca về Trường Sa. Đến con còng cũng biết vo cát để giữ từng thước đất. Thơ ca phải viết lên từ cái nhỏ nhất để nói lên điều lớn lao nhất. Nói chuyện chính trị thì có thể vĩ mô quá, nên nhà thơ chỉ muốn nói theo trái tim thơ ca thôi. Không viết về biển đảo là cái nợ của nhà thơ, lớn hơn nữa là cái nợ của thi ca. Thơ ca nói về tình yêu quá nhiều rồi, thời điểm này chính là phải viết về biển đảo.

Yêu Trường Sa là yêu người giữ đảo, yêu sự cô đơn, một mình, yêu những con người xa gia đình, vợ con để ra giữ đảo. Từng là diễn viên của đoàn văn công Quân khu 5, tôi đã hóa thân hình tượng người chiến sĩ hải quân trên sân khấu, múa hát về hải đảo. Nhưng đó chỉ là nét chấm phá le lói. Thơ ca thì cần phải đi sâu hơn nữa, từ những cái li ti, chứ không phải to tát, ùng oàng mà thấm vào lòng người được.

Sống với đèn thành phố, đừng quên ngọn đèn đảo xa

- Không thể phủ nhận, những sáng tác trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, trong đó có thơ, nhạc, đã có sức thôi thúc, khích lệ lòng yêu nước của nhiều đối tượng bạn đọc...

- Không phải chỉ trong lúc nước sôi lửa bỏng mới cần phải giữ lửa tinh thần yêu nước, mà kể cả những lúc bình yên nhất. Phải giữ lửa, giữ hình ảnh biển đảo trong lòng luôn ấm nóng, không phải ăn xổi ở thì rầm rộ một vài đợt sáng tác, một đôi chuyến tàu ra đảo là thôi, mà cần phải giữ nhịp độ.

Phiên gác chiều hôm trên đảo xa. Ảnh: Võ Tiến

Đội ngũ sáng tác cũng cần được tạo điều kiện để ra đảo, không phải để gọi theo cách cũ là thâm nhập thực tế nữa, mà là để sống, cùng ăn, cùng chia sẻ tâm tư, suy nghĩ với lính đảo, với những người giữ đảo. Ở thành phố sống với ngọn đèn thành phố, đừng quên ngọn đèn đảo xa. Đèn thành phố bình yên quá, trong khi đèn ngoài đảo nhiều sóng gió quá. Thêm một bài thơ về biển đảo là thêm một tiếng nói, một hơi thở.

- Cuộc vận động sáng tác "Đây biển Việt Nam" do báo VietNamNet, Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức, là một trong những nguồn thu hút và cung cấp dồi dào những sáng tác ý nghĩa đó, thưa nhà thơ?

- Tổ chức những cuộc sáng tác như thế này là rất tốt, ý nghĩa vì thơ, nhạc dễ thấm vào lòng người hơn, đó cũng chính là những tác phẩm đi sâu vào cuộc sống. Sáng tác về quê hương đất nước chung chung đã nhiều rồi, nay rất cần thêm những tác phẩm về chủ đề biển đảo.

Đề tài về chủ quyền biển đảo quê hương vào thơ ca, từ đó đi vào cuộc sống, có nước mắt, có mồ hôi, thì người ta sẽ đón nhận. Bởi đó là cuộc sống, là đất đai của Tổ quốc mình. Món nợ biển đảo là món nợ tình, không trả được. 

Nhà thơ Trúc Chi sinh ngày 3/12/1935, quê quán ở xã An Ninh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ông đi bộ đội từ năm 1950; từng công tác tại Đoàn văn công Quân khu 5, Đoàn văn công Sư đoàn 305, 324; giảng dạy văn học tại các trường học sinh miền Nam, Phổ thông công nghiệp ở Hải Phòng; học khóa 3 (1968-1969) Trường viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam; giảng dạy văn học ở Trường Cao đẳng Sư phạm TP.HCM từ 1975. Nhà thơ hiện sống tại TP.HCM.
Các tác phẩm tiêu biểu: Thơ: Cánh chim biển (1967), Dư âm sóng (1980), Chú dế đàn (1980), Thành phố hoa mặt trời (trường ca, 1986), Miền sóng trắng tôi yêu (1987)... Truyện ngắn: Arú và con voi già (1987), Thị trấn đêm màu trắng (1989), Điều kỳ lạ trong vườn chim (1989), Câu chuyện từ lớp học này (1989), Con trai người săn cá mập (1997)... Truyện dài: Huyền thoại biển (2000); Bút ký: Cuộc đời như một truyền thuyết (1992); Vị giám đốc hát rong (2001). Kịch bản sân khấu: Bài ca giữ đất (1956), Cái nấm độc (1959)... Phóng sự: Tiếng kêu con chim gõ kiến (1989); Dăm đường cát bụi (1997). Tiểu luận phê bình: Ba mươi năm một nền thơ (1999), Thơ và tuổi thơ (2000)...

Võ Tiến thực hiện