Khó kiểm soát và xử lý

Bà Victoria Tully, hiệu trưởng Trường nữ sinh Fulham Cross phía Tây thủ đô London, cho biết nhiều học sinh vừa mới vào trường đã được gia đình cho sử dụng điện thoại. Các em lập nhóm trò chuyện trên nền tảng WhatsApp và mời cả người lạ tham gia. 

Nhiều trường học Anh đã cấm học sinh sử dụng điện thoại di động để bảo vệ các em khỏi những nội dung có hại trên mạng xã hội. Ảnh: True Images / Alamy

Sự việc xảy ra khi một “người đàn ông lạ mặt” chia sẻ “những bức ảnh khủng khiếp” với những học sinh 11 tuổi trong nhóm WhatsApp của các em. Vụ việc chỉ được phát hiện khi một học sinh thông báo cho giáo viên.

“Chúng tôi bất lực trong việc truy tìm một người đàn ông thông qua số điện thoại” - bà Tully nói. “Đây là thông tin duy nhất cho cảnh sát. Và đã quá muộn - học sinh đã thấy những gì các em không nên thấy".

Sau vụ việc, nhà trường đã viết một lá thư kêu gọi phụ huynh quan tâm hơn đến những gì con họ đang làm trên mạng xã hội. "Độ tuổi tối thiểu sử dụng WhatsApp ở Anh là 16, phụ huynh không nên để con sử dụng mạng xã hội hội này".

Bà Tully cho biết trường Fulham Cross đã rất nỗ lực để dạy cho học sinh biết về những rủi ro của mạng xã hội cũng như các vấn đề liên quan như bắt nạt trực tuyến. 

Tuy nhiên, việc hòa giải mâu thuẫn trực tuyến ngoài giờ học giữa các học sinh chiếm quá nhiều thời gian và nằm ngoài quyền hạn của nhà trường, đặc biệt khi "các tin nhắn được gửi đi vào lúc 3h sáng và bố mẹ vẫn cho các con sử dụng điện thoại".

Trường nữ sinh Fulham Cross không phải là trường hợp duy nhất. Các trường học trên khắp nước Anh đang phải vật lộn với vấn đề làm thế nào để xử lý những nội dung người lớn, bạo lực, và không phù hợp trên mạng xã hội. 

Trong khi đó, sự phản hồi từ phía các gia đình không đủ mạnh mẽ. Theo bà Tully, nhiều phụ huynh của trường không đọc tốt tiếng Anh nên khó theo dõi tin nhắn, và họ thường "không thể hiểu được" tiếng lóng con họ sử dụng trên mạng xã hội. 

Nhưng quan trọng hơn, dường như nhiều phụ huynh không nhìn thấy những mối nguy hiểm. “Nhiều bậc cha mẹ không nhận thức được điều gì đang xảy ra cho đến khi có điều tồi tệ liên quan đến con họ".

Bà Mary Bousted, Tổng thư ký của Liên minh Giáo dục Quốc gia, cho biết: “Đây là một lời nhắc nhở khủng khiếp về những tác hại có thể gây ra cả về mặt tinh thần và thể chất khi trẻ em truy cập nội dung không qua xử lý”.

Bà Bousted lo ngại rằng việc xem nội dung khiêu dâm trực tuyến có thể làm sai lệch quan điểm của các nam sinh về tình dục và nguy cơ nuôi dưỡng hành vi quấy rối tình dục, mà nghiên cứu của họ đã chỉ ra rằng đang "tràn lan" trong trường học.

Giáo viên tại một trường trung học ở Cardiff, xứ Wales cho biết: “Chúng tôi đã có những học sinh bị đe dọa giết hại trên WhatsApp trong khoảng thời gian ngoài trường học. Điều đó hoàn toàn không liên quan đến nhà trường và thực sự đó là vấn đề của cảnh sát, nhưng họ cũng có nguồn lực hạn chế. Đó là lý do tại sao cha mẹ cần phải vào cuộc”.

Mức độ lan rộng

Đây cũng không phải là vấn đề chỉ ảnh hưởng đến trẻ em ở độ tuổi trung học hay lớn hơn. Hiệu trưởng trường tiểu học Church of England ở London cho biết học sinh từ 7-8 tuổi đang được sử dụng điện thoại, và ông đang tiến hành một "cuộc chiến" không ngừng nghỉ để chống lại những tin nhắn lạm dụng trực tuyến.

“Họ sử dụng mọi câu chửi thề có thể tưởng tượng được trên WhatsApp” - vị hiệu trưởng này nói. "Chúng tôi đã chứng kiến hành vi lạm dụng, kỳ thị đồng tính và phân biệt chủng tộc nhắm vào một cậu học sinh là con một, chỉ trích những học sinh có thân hình mập mạp, đe dọa bạo lực và lăng mạ về những người có nhu cầu giáo dục đặc biệt".

Nhà trường thường xuyên gửi cảnh báo cho phụ huynh. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, điều này bị ngó lơ bởi “bản thân các bậc cha mẹ cũng nghiện mạng xã hội”.

Người phát ngôn của Hiệp hội Quốc gia Phòng chống Đối xử tàn tệ với Trẻ em (NSPCC) nói rằng việc cha mẹ có những cuộc trò chuyện “cởi mở và trung thực” với con cái về mạng xã hội là “cực kỳ quan trọng”.

“Chúng ta phải thực tế và chấp nhận rằng ngay cả khi cha mẹ đặt ra ranh giới, trẻ em và thanh thiếu niên vẫn sẽ thúc ép bố mẹ cho sử dụng mạng xã hội”. 

Theo NSPCC, cả phụ huynh và nhà trường đều không thể tự mình giải quyết việc này. NSPCC muốn lãnh đạo ngành giáo dục Anh khôi phục lại dự luật an toàn trực tuyến vốn đã bị loại bỏ khỏi quá trình lập pháp vào tháng 7 vừa qua.

Bảo Huy (Theo The Guardian) 

'Lạm phát' bằng giỏi đại học ở Anh

'Lạm phát' bằng giỏi đại học ở Anh

Cơ quan giám sát giáo dục của Anh đã mở một cuộc điều tra về lạm phát điểm sau khi bằng cấp hạng nhất, hạng hai ở một số trường đại học của nước này tăng mạnh.