- Tôi là thu ngân ca sáng tại một cửa hàng đồ ăn nhanh. Ngày 2/7 vừa qua, khi kiểm kê lại số tiền thu được sau 1 ngày làm việc, một số nhân viên làm ca tối phát hiện ra bị thất thoát hơn 5 triệu đồng tiền mặt cất trong tủ.
Người quản lý không kiểm tra camera cũng như báo công an điều tra mà yêu cầu tôi cùng một người nhân viên thu ngân ca tối bồi thường, chịu mỗi người một nửa. Tôi rất bức xúc, không đồng ý nhưng anh ta nói, nếu tôi không chịu mà làm lớn chuyện, gây ảnh hưởng uy tín cho cửa hàng thì sẽ không bao giờ để tôi đi xin việc ở đâu được nữa.
Xin hỏi luật sư tôi phải làm thế nào trong trường hợp này? Tôi có báo công an điều tra được không? Cần những thủ tục gì? Nếu như không điều tra ra thì tôi có phải chịu trách nhiệm không?
Ảnh minh họa |
Thông tin bạn nêu cần xác định việc bàn giao giữa ca sáng và ca tối cụ thể thế nào.Nếu chưa có kết luận của cơ quan điều tra về sự việc tiền thu bị mất, không thể kết luận được bạn có lỗi trong sự cố này hay không. Trường hợp cơ quan điều tra kết luận bạn có một phần lỗi dẫn đến việc mất tiền quỹ, bạn sẽ chịu trách nhiệm tùy mức độ.
Việc xử lý bồi thường thiệt hại theo hợp đồng lao động, trình tự, thủ tục xử lý bồi thường thiệt hại phải được thực hiện như trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động quy định tại điều 123 Bộ luật lao động và Nghị định 05/2015. Mức bồi thường trong trường hợp này là một phần hoặc toàn bộ tài sản bị thiệt hại theo quy định tại điều 32 nghị định 05/2015.
Theo quy định tại điều 130 Bộ luật lao động 2012 như sau:
“Điều 130. Bồi thường thiệt hại
1. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc, thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này.
2. Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường”.
Bạn có thể tham khảo thêm quy định tại điều Nghị định 05/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động thì:
“Điều 32. Bồi thường thiệt hại
Bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 130 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
1. Người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương ghi trong hợp đồng lao động của tháng trước liền kề trước khi gây thiệt hại bằng hình thức khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại Khoản 3 Điều 101 của Bộ luật Lao động do sơ suất làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị với giá trị thiệt hại thực tế không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng áp dụng tại nơi người lao động làm việc do Chính phủ công bố.
2. Người lao động phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Do sơ suất làm hư hỏng dụng cụ thiết bị với giá trị thiệt hại thực tế từ 10 tháng lương tối thiểu vùng trở lên áp dụng tại nơi người lao động làm việc do Chính phủ công bố;
b) Làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao;
c) Tiêu hao vật tư quá định mức cho phép của người sử dụng lao động.
3. Trường hợp người lao động gây thiệt hại cho người sử dụng lao động theo quy định tại Khoản 2 Điều này mà có hợp đồng trách nhiệm với người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm.
4. Trường hợp thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa hoặc do sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù người sử dụng lao động đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì người lao động không phải bồi thường.
5. Trình tự, thủ tục và thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại được áp dụng theo trình tự, thủ tục và thời hiệu xử lý kỷ luật lao động”.
Trường hợp người lao động gây thiệt hại cho người sử dụng lao động theo quy định tại Khoản 2 Điều 32 Nghị định 05/2015/NĐ-CP mà có hợp đồng trách nhiệm với người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm.
- Trường hợp thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa hoặc do sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù người sử dụng lao động đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì người lao động không phải bồi thường.
- Trình tự, thủ tục và thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại được áp dụng theo trình tự, thủ tục và thời hiệu xử lý kỷ luật lao động.
Thu ngân hay người lao động nói chung khi làm mất tài sản do cơ quan, đơn vị giao quản lý thì phải bồi thường theo quy định của Bộ luật lao động nếu chứng minh được lỗi của người này. Việc bồi thường nếu có cũng phải căn cứ vào mức độ lỗi và hoàn cảnh gia đình, nhân thân, tài sản để xác định mức bồi thường hợp lý.
Và việc xử lý trách nhiệm bồi thường phải theo đúng trình tự, thủ tục quy định Bộ luật lao động.
Vì vậy, người lao động cần tìm hiểu rõ quy định pháp luật, trình báo cơ quan chức năng xem xét để tránh bị thiệt thòi khi xảy ra vụ việc. Đối với người lao động được giao nhiệm vụ làm thu ngân nên chủ động đề xuất với doanh nghiệp, cơ quan về phương án quản lý an toàn số tiền mặt được giao.
Về phía doanh nghiệp hay cơ quan cũng phải chủ động quy định về công tác quản lý tiền mặt tại cơ quan, đơn vị mình để tránh trường hợp mất mát xảy ra. Nếu việc mất mát tài sản của cơ quan đơn vị là sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước và không thể khắc phục mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì người lao động không phải bồi thường.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc