Nhật Bản bắt đầu xây dựng một bức tường băng dài khoảng 1,5km ngầm dưới lòng đất để ngăn không cho nước nhiễm phóng xạ chảy ra khỏi nhà máy điện hạt nhân Fukushima, nơi gặp sự cố trong thảm họa động đất sóng thần hồi 2011.
Nước nhiễm phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima được cho là đã mang nhiều phóng xạ xuống biển Thái Bình Dương. |
Quyết định này được đưa ra sau khi robot được thiết kế đặc biệt cho công tác di chuyển các thanh nhiên liệu nóng chảy của nhà máy đã "đột tử" hồi tuần trước do nồng độ phóng xạ quá cao làm hỏng hệ thống dây điện.
Theo kế hoạch mới, bức tường băng sẽ bao quanh toàn bộ khu vực nhà máy để nước nhiễm xạ không thể chảy ra biển Thái Bình Dương được.
Hệ thống làm lạnh sẽ tiêu tốn của Chính phủ Nhật Bản khoảng 35 tỉ Yen (khoảng 312 triệu USD) song nhiều nhà khoa học vẫn nghi ngờ về hiệu quả của phương pháp này.
Kế hoạch mới bao gồm một đường ống khoảng 30m ngầm dưới mặt đất để đóng băng đất đá xung quanh từ đó tạo thành một bức tường với độ dài khoảng 1,5km xung quanh các lò phản ứng và tua-bin.
Trước đó, để hạ nhiệt các thanh nhiên liệu bị nóng chảy trong sự cố, Nhật Bản đã sử dụng một lượng nước rất lớn và nguồn nước nhiễm xạ này sau đó đã chảy vào môi trường.
Nước nhiễm xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima được tìm thấy trên biển Thái Bình Dương, thậm chí là tận ở bờ biển Tây nước Mỹ.
Việc di chuyển các thanh nhiên liệu nóng chảy một cách an toàn là không khả thi. Do đó, cách tốt nhất ở thời điểm hiện chính là ngăn không cho nước nhiễm xạ tiếp tục chảy ra môi trường.
Phương pháp tường băng đã từng được sử dụng trong quá khứ để ngăn nước từ các bộ phận của đường hâm hay tàu điện ngầm. Tuy nhiên, để đóng băng một nhà máy điện hạt nhân thì chưa. Để làm sạch nhà máy điện hạt nhân Fukushima cần thời gian nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, trong quá khứ, những bức tường băng chỉ tồn tại được lâu nhất là 6 năm.
Trong một cuộc họp báo mới đây, trả lời câu hỏi về việc liệu giải pháp bức tường băng có hiệu quả so với chi phí bỏ ra hay không, ông Toshihiro, đại diện TEPCO cho biết: "Hiệu quả thực tế vẫn chưa thể biết được vì cho tới nay các tính toán đều dựa trên mô phỏng".
Mặc dù vậy, các đường ống đông lạnh đã được lắp đặt hoàn tất và dự kiến các chính quyền Nhật Bản sẽ cho phép khởi động ngay trong tuần này. Dự kiến bức tường băng sẽ được hình thành sau khoảng vài tháng tới đây.
Phần đầu tiên của đường ống lạnh sẽ được đặt ở khu vực gần bờ biển Thái Bình Dương nhất để ngăn không cho nước nhiễm xạ tiếp tục chảy ra biển. Các phần tiếp theo sẽ được khởi động theo từng giai đoạn để đảm bảo bức tường hoạt động như mong muốn.
Hà Phương (Theo ScienceAlert)
XEM CÁC TIN CÔNG NGHỆ KHÁC